Đồng chí Thiên Nhàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện, cho biết: Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND và ban hành sổ tay hướng dẫn thực thi Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, địa phương đã tiến hành thành lập Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện và Ban phát triển các xã và thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tiến độ thực hiện dự án đến nay có phần hơi chậm so với kế hoạch. Đến tháng 6-2013, huyện chỉ mới thực hiện xong một số hợp phần chính, gồm: Đào tạo vi tính cho đội ngũ cán bộ dự án cấp huyện, xã; thành lập các nhóm đồng sở thích theo chuỗi giá trị và triển khai thủ tục đầu tư, việc giám sát đấu thầu các công trình thuộc quỹ phát triển cộng đồng cho Ban Phát triển các xã và công tác giám sát cộng đồng ở các thôn.
Nông dân xã Phước Sơn vào mùa thu hoạch táo.
Với mục đích tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ nông dân nghèo ở các địa phương có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản, thời gian qua, ngoài việc tổ chức các hoạt động tập huấn, DASU huyện Ninh Phước còn phân công cán bộ phụ trách trực tiếp địa bàn để đẩy nhanh việc triển khai các hợp phần của dự án. Đặc biệt, dựa trên đặc điểm, điều kiện thực tế của từng xã, từng thôn và các chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi mà Ban Điều phối Dự án Tam nông tỉnh đã phân tích, đánh giá, DASU huyện Ninh Phước đã lựa chọn ra hai chuỗi giá trị sản phẩm có thế mạnh và phù hợp với điều kiện ở địa phương đó là bò và táo. Trên cơ sở các chuỗi giá trị sản phẩm đã được lựa chọn này, hiện các xã đã thành lập được 16 nhóm đồng sở thích (trung bình mỗi nhóm có từ 20 – 30 thành viên tùy theo từng chuỗi giá trị sản phẩm); trong đó, xã An Hải có 2 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, 4 nhóm sở thích trồng táo; xã Phước Thái 2 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò và xã Phước Vinh có 2 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, 6 nhóm sở thích trồng táo. Dù các nhóm đồng sở thích mới được hình thành, nhưng qua đánh giá của các hộ dân tham gia cho thấy mô hình này đã giúp cho nông dân, nhất là các hộ nông dân nghèo không có điều kiện đầu tư sản xuất nay đã tiếp cận được khoa học-kỹ thuật mới để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng nên các vùng chuyên canh về trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để dự án tiếp tục phát huy hiệu quả, hiện tại DASU huyện Ninh Phước đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiếp tục tổ chức tập huấn giúp đội ngũ cán bộ chuyên trách và thành viên các nhóm đồng sở thích có thêm kinh nghiệm về công tác thống kê, củng cố và thành lập nhóm; công tác quyết toán, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường...Tranh thủ các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của dự án để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất như sân phơi, đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi... Cùng với đó, dự án sẽ tiến hành hỗ trợ con giống để nhân rộng mô hình Hefer cho các hộ nghèo và cận nghèo. Hỗ trợ và hướng dẫn cách trồng cỏ giống cho các nhóm đồng sở thích trong chăn nuôi bò... để hướng các hộ dân vừa hợp tác sản xuất vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với các loại cây trồng chính đã được xác định, nhằm sớm tạo điều kiện thụ hưởng cho các hộ dân nằm trong vùng dự án.
Văn Thanh