Chỉ tay về phía 14 ha mía đã khô hai đầu gần 30cm nhưng đang chờ Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang cấp lệnh thu hoạch, ông Cao Văn Minh, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn bức xúc: Thu hoạch xong đợt này tôi sẽ cày bỏ bớt một nửa diện tích mía, không đầu tư nữa, chứ giá mía đã giảm, chi phí đầu tư ngày càng cao mà nhà máy lại thu mua kiểu này thì chỉ có thiệt thòi cho nông dân. Mặc dù đã gắn bó gần 10 năm với cây mía, nhưng ông Minh dự tính sẽ chuyển toàn bộ diện tích mía đã cày bỏ sang trồng cây màu, vì hiện nay chính sách đầu tư và kế hoạch thu mua của nhà máy chưa thật sự thu hút để ông có thể theo đuổi cây mía về lâu dài. Còn bà Bùi Thị Mai Sương, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn thì cho biết: Gia đình bà đã cày bỏ 1 ha gốc mía tơ sau khi thu hoạch, năng suất đạt trên 90 tấn/ha. Theo lý giải của bà Sương, mặc dù 1 ha mía thu lãi gần 20 triệu đồng, nhưng công bỏ ra để chăm sóc mất gần 10 tháng, nếu tính thêm các chi phí phụ khi vào vụ thu hoạch thì không lãi bao nhiêu. Trong khi cứ đến mùa thu hoạch phải chờ đợi nhà máy rất mệt mỏi.
Một số hộ nông dân xã Mỹ Sơn đã cày bỏ cây mía để đầu tư cây trồng khác.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực trọng điểm mía của huyện Ninh Sơn như xã Quảng Sơn cũng đã có tình trạng người dân cày bỏ gốc mía để chuyển đổi sang cây trồng khác. Tuy nhiên, hầu hết diện tích mía bị phá bỏ ở đây đều là mía gốc năm thứ ba hoặc ít nhất nông dân cũng đã thu hoạch được hai mùa. Mặt khác, do những khu vực này không chủ động nước, năng suất chỉ đạt khoảng trên dưới 60 tấn/ha nên việc nông dân bỏ mía để chuyển sang trồng cây mì thì có thể hiểu được. Trong khi tại xã Mỹ Sơn năng suất mía được nhận định là rất tốt, trung bình trên dưới 100 tấn/ha, thì việc nông dân phá bỏ gốc mía ngay sau khi đầu tư vụ đầu tiên là rất khó hiểu, bởi trong quy hoạch chung, xã Mỹ Sơn đang hướng đến xây dựng cánh đồng mía lớn và đây cũng là địa phương được Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang “nhắm” đến là vùng nguyên liệu trọng điểm về lâu dài của đơn vị sau này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn xã Mỹ Sơn có ít nhất 4 hộ trồng mía ở thôn Phú Thuận đã cày bỏ hoàn toàn các diện tích mía tơ sau khi thu hoạch, với diện tích hơn 5 ha. Theo một cán bộ nông nghiệp của xã cho biết: Hiện còn rất nhiều hộ đang có ý định cày bỏ các gốc mía sau khi thu hoạch vụ đầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân cho rằng chính sách đầu tư và thu mua mía hiện nay của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang chưa thật sự hợp lý, đặc biệt là rất chậm trong việc cấp lệnh thu hoạch và phải chờ xe chở, dẫn đến tình trạng mía khô, cháy, giảm sản lượng đáng kể, khi thu mua thì chưa minh bạch về chữ đường. Chúng tôi đã đến gặp để vận động, giải thích cho bà con hiểu về các chính sách đầu tư của công ty trong niên vụ mới để bà con yên tâm tiếp tục đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc phụ trách công tác đối ngoại của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang cho biết: Hiện nay, diện tích mía công ty đang hợp đồng trên địa bàn xã Mỹ Sơn trên 500 ha. Mặc dù giá đường thị trường giảm xuống còn 11.000 đồng/kg, nhưng công ty vẫn đảm bảo việc thu mua của bà con 800 ngàn đồng/tấn (mía 10 chữ đường) tại ruộng. Còn vấn đề nông dân Mỹ Sơn phá bỏ gốc mía, qua thông tin từ cán bộ nông vụ, chúng tôi đã tổ chức gặp gỡ các hộ dân để vận động và trao đổi một cách minh bạch với bà con về các chính sách mới trong các vụ tiếp theo. Về lâu dài, chúng tôi đã chọn Mỹ Sơn để phát triển vùng nguyên liệu mía trọng điểm cho công ty, bởi hiện trạng đất và hệ thống nước nơi đây rất phù hợp với cây mía, nhiều khu vực có thể đạt khoảng 120 tấn/ha. Về việc nhà máy thu mua chậm trong năm nay là do sản lượng mía vụ này tăng hơn 30% so với vụ trước, hơn nữa công ty vào vụ thu hoạch trễ gần 1 tháng do diễn biến của thời tiết, trong khi đó nông dân lại căn cứ vào ngày thu hoạch của năm trước để yêu cầu công ty thu hoạch đúng lịch, tạo áp lực cho nhà máy rất lớn. Để đảm bảo công bằng và sớm thu mua hết mía của nông dân, ngày 11-3-2018, công ty đã tiến hành họp mặt nông dân tại hội trường UBND xã Quảng Sơn và thống nhất 5 tiêu chí thu hoạch, trong đó ưu tiên mía quá tuổi 1 tháng 20 ngày; mía sát vùng núi, có nguy cơ cháy cao và những vùng mía không chủ động nước trước, với các diện tích mía chủ động nước có thu mua chậm vài ngày, việc này mong bà con hết sức thông cảm.
Bà Võ Thị Quý Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: Địa phương đã nắm được thông tin một số nông dân phá bỏ mía tơ để chuyển sang cây trồng khác. Trước mắt xã đã cử cán bộ nông nghiệp đến gặp gỡ truyên truyền vận động bà con, bởi theo định hướng trong năm 2018 xã đã có kế hoạch xây dựng vùng mía cánh đồng lớn tại khu vực Hòn Dồ, thôn Phú Thuận khoảng 100 ha. Địa phương cũng sẽ tổ chức gặp gỡ đối thoại cùng nông dân và công ty mía đường để tháo gỡ những khó khăn trong công tác đầu tư thu mua sắp đến.
Mặc dù chỉ mới vài hộ phá bỏ mía tơ để chuyển sang cây trồng khác, tuy nhiên, nếu Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang không có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách đầu tư thu mua, chính quyền sở tại không sớm có những định hướng, tuyên truyền, vận động kịp thời thì việc nông dân ở xã Mỹ Sơn phá bỏ cây mía sẽ thành phổ biến. Điều này, có thể sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây mía về lâu dài.
Nguyễn Sơn