Triển khai các giải pháp tiết kiệm nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô

(NTO) Những tháng cuối năm 2017 có mưa lớn, một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh thực hiện xả lũ để đảm bảo an toàn công trình. Tình hình nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông-xuân 2018 không thiếu hụt như những năm trước. Tuy vậy, mới đầu mùa khô nắng nóng làm nước ở các hồ chứa bốc hơi nhanh, nếu không thực hiện điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm nguy cơ thiếu nước sản xuất trong các vụ tới rất dễ xảy ra.

Những tháng cuối năm 2017 có mưa lớn, một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh thực hiện xả lũ để đảm bảo an toàn công trình. Tình hình nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông - xuân 2018 không thiếu hụt như những năm trước. Tuy vậy, mới đầu mùa khô nắng nóng làm nước ở các hồ chứa bốc hơi nhanh, nếu không thực hiện điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm nguy cơ thiếu nước sản xuất trong các vụ tới rất dễ xảy ra.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi cung cấp nước tưới cho cây trồng vụ đông - xuân, lượng nước ở 21 hồ chứa hiện còn khoảng 154/193 triệu m3 đảm bảo cho sản xuất vụ hè - thu diễn ra thuận lợi. Mặc dù vậy, nhưng mực nước ở các hồ không đồng đều dẫn đến tình trạng có những vùng bắt đầu thiếu nước sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, hồ Thành Sơn, Ông Kinh (Ninh Hải), Lanh Ra (Ninh Phước) đã cạn nước, nông dân trong khu vực phải khai thác nước ngầm tưới cho cây trồng. Theo cán bộ chuyên môn, với đặc điểm khí hậu nắng gió như ở tỉnh ta, chỉ cần thời gian ngắn không có mưa là lượng nước ở các hồ, đập xuống nhanh, nếu điều tiết không hợp lý thì sau gieo cấy vụ hè - thu sẽ thiếu nước tưới cục bộ. Diện tích cây trồng dự báo chưa đảm bảo nước tưới tập trung chủ yếu ở khu vực thôn Văn Lâm, xã Phước Nam (Thuận Nam), thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu (Ninh Phước) thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) và thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc)…

Hồ Sông Sắt có sức chứa 69,33 triệu m3 nước phục vụ tưới cho hơn 3.800 ha
đất nông nghiệp tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Thường xuyên đối mặt với hạn hán, nên tỉnh ta luôn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, đề ra giải pháp tiết kiệm nước tưới bằng cách thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn. Vụ đông – xuân năm nay, toàn tỉnh chuyển đổi 549 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn; trong đó, Thuận Nam: 29 ha, Ninh Phước: 90,5ha, Ninh Hải: 20 ha, Thuận Bắc: 65,7 ha, Ninh Sơn: 93,9 ha và Bác Ái: 250 ha. Nhờ cương quyết không cấp nước cho những nơi trồng lúa nằm ngoài kế hoạch, nên công tác chuyển đổi cây trồng ở vụ đông - xuân đạt kế hoạch, qua đó tiết kiệm được nguồn nước đáng kể, dự nguồn để sản xuất vụ hè - thu. Từ ngày 29-1 đến ngày 2-2-2018, tỉnh đã hợp đồng với Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường tiến hành khảo sát thực địa, điều tra tình hình hạn hán ở 6 huyện; thực hiện nghiên cứu nâng cao năng lực vận hành đồng bộ hệ thống sông và hồ chứa, nhằm cải thiện công tác quản trị hạn hán được đánh giá là giải pháp căn cơ tạo nguồn nước ổn định.

Ninh Sơn triển khai có hiệu quả mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao
ở vùng khô hạn xã Mỹ Sơn, nhằm tiết kiệm nước tưới.

Nhìn chung, công tác ứng phó với hạn hán luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhằm giảm thiểu những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do thiên tai và tránh xáo trộn cuộc sống của người dân trong mùa khô. Tại phiên họp thường kỳ triển khai công tác trọng tâm trong quý II năm 2018, vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tổ chức sơ kết sản xuất vụ đông - xuân, đánh giá kết quả mô hình cánh đồng lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè - thu; đồng thời, chủ động xây dựng phương án ứng phó với hạn hán. Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra giải pháp tiết kiệm nước trong mùa khô là tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng cạn trong vụ hè - thu theo hướng sản xuất tập trung với những loại cây trồng lợi thế, có giá trị kinh tế cao, ít sử dụng nước. Trên tinh thần đó, đơn vị chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai kế hoạch điều tiết nước ở các hồ, đập linh hoạt, hợp lý; tiến hành gia cố các tuyến kênh, mương để tránh thất thoát nước; khuyến cáo nông dân không trồng lúa ở các khu vực chuyển đổi cây trồng cạn, hạn chế sử dụng phương pháp tưới xả tràn, chọn kỹ thuật tưới thích hợp nhằm tiết kiệm nước. Ngành chức năng cũng đã đề nghị các địa phương nhân rộng mô hình tưới nước có sự tham gia của cộng đồng; vận động, hỗ trợ nông dân áp dụng mô hình tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt được đánh giá là tiết kiệm được 40 - 60% lượng nước so với tưới xả tràn.