Phóng viên: Đồng chí cho biết diễn biến các loại dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?
Đồng chí Trương Khắc Trí: Nhờ chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nên hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh ta được kiểm soát tốt. Một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và tai xanh ở heo chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm trong 3 tháng (từ tháng 12-2017 đến tháng 2-2018) tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh cho thấy, vi rút cúm gia cầm A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường, với 5,59% mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Như vậy, nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta là khá cao nếu không thực hiện tốt các chương trình giám sát và và việc kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán gian cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là đối với việc vận chuyển không kiểm soát của đàn vịt chạy đồng.
Phóng viên: Để chủ động phát hiện, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành đã triển khai những biện pháp gì?
Đàn gia cầm nuôi thả đồng ở Phước Nam (Thuận Nam). Ảnh Văn Nỷ.
Đồng chí Trương Khắc Trí: Ngay trong năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1380/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017 – 2021 và Kế hoạch số 5408/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2018, nhằm kịp thời chỉ đạo các địa phương củng cố, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở phối hợp với các trạm y tế, ngành chức năng, đoàn thể và quần chúng tại địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt I năm 2018. Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường các hoạt động giám sát dịch bệnh và công tác kiểm dịch tại các địa điểm buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ, đàn gia cầm từ tỉnh ngoài nhập vào địa phương, các vùng chăn nuôi tập trung nhiều gia cầm, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch tại các trạm, chốt kiểm dịch trên những tuyến giao thông chính để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Mặt khác, ngành đẩy mạnh thực hiện các chương trình giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống để cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm nuôi; đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra diện rộng.
Phóng viên: Đồng chí có những khuyến cáo gì tới người dân trong công tác phòng, chống dịch hiện nay?
Đồng chí Trương Khắc Trí: Nhằm hạn chế các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, ngăn chặn có hiệu quả sự sự xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm khác vào tỉnh ta, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, trước hết người dân cần nêu cao ý thức không mua bán, ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh động vật và chỉ sử dụng sản phẩm động vật đã qua chế biến kỹ. Không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu vào trong tỉnh tiêu thụ.
Đối với các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đúng các quy định: tiêm phòng vắc xin cho động vật theo định kỳ; chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Thường xuyên tẩy rửa, vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ. Khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân, phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng. Trong trường hợp phát hiện vật nuôi có biểu hiệu triệu chứng mắc bệnh như: ủ rũ, bỏ ăn, chảy nước dãi ở mỏ, da tím bầm, lông xù, ỉa chảy, chết không rõ nguyên nhân phải kịp thời thông báo chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để tiến hành tổ chức bao vây, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu xác định có dịch xảy ra, cần nhanh chóng khoanh vùng dịch phạm vi trong vòng 3 km kể từ trung tâm ổ dịch, sau đó tiến hành tiêu hủy số động vật đã mắc bệnh ngay từ ổ dịch đầu tiên, không để người dân bán chạy động vật làm lây lan dịch và đưa ra cảnh báo để mọi người nâng cao ý thức, cùng tham gia dập tắt nhanh ổ dịch.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh