Định hướng chung của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trong năm nay là tùy theo điều kiện thực tế ở từng nơi để áp dụng các mô hình phù hợp. Đối với những vùng đất gò cao, thiếu nước tiến hành chuyển đổi bền vững các loại cây trồng dài ngày, giá trị kinh tế cao, như: nho, táo, măng tây xanh. Riêng những khu vực tận dụng được nguồn nước tự nhiên về mùa mưa thì chuyển đổi theo công thức luân canh các loại cây: bắp - lúa - đậu xanh. Bám sát nội dung, chương trình kế hoạch của cấp trên, trước khi bước vào sản xuất vụ đông - xuân 2017 - 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng mùa vụ. Qua đó, đã xác định được diện tích chuyển đổi cả năm 2018 là 750,7 ha; trong đó, cây trồng dài ngày (nho, táo, măng tây xanh, bưởi, cỏ chăn nuôi) 392,7 ha; diện tích còn lại chuyển đổi theo công thức luân canh.
Nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhiều nông dân
đã biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Ảnh Văn Nỷ
Từ việc vào cuộc tích cực của ngành chức năng, chính quyền các cấp, đến nay công tác chuyển đổi cây trồng đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, vụ đông - xuân đã chuyển được hơn 549 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn; trong đó, Thuận Nam 29 ha, Ninh Phước 90,5ha, Ninh Hải 20 ha, Thuận Bắc 65,7 ha, Ninh Sơn 93,9 ha, Bác Ái 250 ha. Diện tích chuyển đổi còn lại thực hiện ở vụ hè - thu và vụ mùa tới. Theo đánh giá của ngành chức năng, cây trồng ở những vùng chuyển đổi đang phát triển tốt, nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hứa hẹn đến cuối vụ sẽ gặt hái được nhiều thành quả. Góp phần vào thành công bước đầu phải kể đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm tốt công tác tổng hợp diện tích chuyển đổi, đề nghị các địa phương triển khai có hiệu quả Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 để nông dân có điều kiện mua các loại giống cây trồng mới đưa vào canh tác ở những vùng chuyển đổi. Việc điều tiết nước hợp lý, tăng cường công tác bảo vệ thực vật ở những vùng chuyển đổi cũng được quan tâm thực hiện. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai một số mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm nước đã thu hút được nhiều hộ tham gia, đẩy phong trào chuyển đổi cây trồng cạn lan tỏa rộng khắp trên toàn tỉnh.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục công tác tham mưu kế hoạch chuyển đổi cây trồng ở vụ hè - thu, theo hướng chú trọng nhân rộng các mô hình bền vững. Để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cạn, đơn vị tăng cường công tác tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân làm chủ được công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Việc tổ chức các lớp tập huấn hiện nay có đổi mới so với trước, theo hướng đa dạng về nội dung và phương pháp, giúp học viên dễ làm theo. Nội dung kỹ thuật ưu tiên các loại cây chủ lực, bám sát định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Anh Tùng