Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển Đòn bẩy giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo

(NTO) Năm 2017, Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ (PN) thuộc Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (giai đoạn 2011-2016) chính thức chuyển đổi và hoạt động theo mô hình quỹ xã hội với tên gọi Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh. Việc chuyển đổi mô hình là hướng đi phù hợp, góp phần duy trì, giúp hàng trăm hội viên, PN trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh, cho biết: Theo các cuộc điều tra, khảo sát, tỷ lệ PN nghèo, cận nghèo, PN có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi đó, để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các ngân hàng thương mại, người vay phải đáp ứng các điều kiện theo quy định nên việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng của PN còn hạn chế. Chính vì vậy, sự ra đời, chuyển đổi hoạt động của Quỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp, hộ dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư cải thiện sinh kế. Với thủ tục vay đơn giản, thông qua nhóm Tín dụng-Tiết kiệm (TD-TK) của PN, không cần thế chấp tài sản và không phải đóng bất kỳ khoản lệ phí nào, Quỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, PN tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Hội viên, phụ nữ thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) trồng, chăm sóc măng tây xanh.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quy trình cho vay, Quỹ đã ban hành Sổ tay vận hành, quy trình tín dụng và các văn bản hướng dẫn khác nhằm hướng dẫn các cấp Hội PN, các chi nhánh trực thuộc, đặc biệt là các nhóm trưởng tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục lựa chọn thành viên và thành lập nhóm TD-TK trên nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, tương trợ. Tính đến cuối năm 2017, Quỹ đã thành lập được 189 nhóm TD-TK, với 3.273 thành viên tại 50 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo có 488 hộ, chiếm 15%; hộ đồng bào dân tộc thiểu số 381 hộ, chiếm 12%; hộ có thu nhập thấp 2.404 hộ, chiếm 73%, với tổng dư nợ gần 19 tỷ đồng, huy động tiết kiệm trên 1,1 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của các nhóm TD-TK xếp loại tốt đạt 99,88%. Cùng với đó, Quỹ cũng tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và huy động tiết kiệm từ Quỹ Phát triển kinh tế PN chuyển qua với tổng số 123 nhóm TK-TD/2.014 thành viên…

Để các thành viên vay vốn hiểu đúng và đầy đủ chính sách TD-TK, thời gian qua, Quỹ chủ động phối hợp với Hội PN các cấp làm tốt công tác tuyên truyền; tập huấn cho thành viên kỹ năng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, trông chờ ỷ lại, phát huy nội lực, phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ nguồn vốn vay, nhiều chị đầu tư sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá. Điển hình như chị Đặng Thị Bảy (ở thôn Long Bình 2, xã An Hải, Ninh Phước) vay 10 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc 3,2 sào táo. Nhờ chăm sóc tốt, chị bán 2 vụ táo thu được 36 triệu đồng. Từ số tiền này, chị mua 4 con dê nái về nuôi, đến nay đã sinh thêm 7 dê con. Hay như, chị Nguyễn Thị Cúc (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn) vay 10 triệu đồng góp cùng số tiền tiết kiệm của gia đình mua 1 con bò cái về nuôi. Nhờ chịu khó và biết cách chăm sóc, sau hơn 3 năm, bò cái đã sinh được 2 bò con, tạo sinh kế, giúp gia đình chị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy cho biết thêm: Hoạt động của Quỹ thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ vốn vay đối với các hộ PN nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập thấp. Quỹ là kênh cung cấp tín dụng nông thôn thuận tiện, giảm thời gian giao dịch TD-TK, chi phí đi lại của hộ vay. Đặc biệt, việc cho vay vốn qua nhóm TD-TK còn làm gia tăng sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế giữa các thành viên, giúp các hộ vay vốn hình thành thói quen tiết kiệm, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Để Quỹ phát triển ngày càng phát triển hiệu quả, thời gian tới, Quỹ chủ động phối hợp với các cấp Hội PN và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, giới thiệu, lựa chọn, xét duyệt thành viên vay vốn, thành lập nhóm, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, sử dụng vốn cho nhóm trưởng và các thành viên… Đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, Quỹ mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, quan tâm bố trí nguồn vốn hoạt động hằng năm từ ngân sách của tỉnh với số tiền 1 tỷ đồng để Quỹ bổ sung vốn điều lệ, bảo đảm phù hợp với kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017-2021.