Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, THCS dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham mưu của các cơ quan quản lý giáo dục và sự giám sát của HĐND, đoàn thể các cấp trong tỉnh. Bố trí mạng lưới trường, lớp học phải khoa học, hợp lý, phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT và tình hình thực tiễn của các vùng miền trong tỉnh. Khắc phục những hạn chế bất cập, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, không để tình trạng học sinh bỏ học tăng, gắn việc đầu tư hoàn thiện hệ thống trường, lớp học với đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bố trí đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng tinh gọn; sắp xếp đội ngũ giáo viên chuẩn hóa, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1940 phê duyệt Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020 (Đề án 1940). Theo đó, toàn tỉnh hiện có 62 điểm trường thuộc 33 trường học trên địa bàn 7 huyện, thành phố sáp nhập về các điểm trường chính và chia tách, thành lập mới một số điểm trường. Trong đó có 16 điểm trường mầm non, 38 điểm trường tiểu học, 8 điểm trường THCS thuộc diện sắp xếp. Đơn cử, huyện Bác Ái sáp nhập điểm trường Tà Lọt thuộc Trường TH Phước Hòa có 5 lớp, với 95 học sinh vào Trường THCS Võ Thị Sáu thành Trường liên cấp TH- THCS Phước Hòa. Tp. Phan Rang- Tháp Chàm chuyển điểm lẻ Xóm Dừa có 3 lớp, với 50 học sinh về điểm Trường TH Đô Vinh 1. Đồng thời dự kiến thành lập mới các trường THCS: Cà Ná (Thuận Nam), Thanh Hải (Ninh Hải), Thành Hải (Phan Rang- Tháp Chàm); tách Trường TH Đông Hải 1 có 31 lớp, với 966 học sinh thành hai trường là Đông Hải 1 có 20 lớp, với 700 học sinh và Đông Hải 4 có 17 lớp, với 266 học sinh; tách Trường TH Lạc Nghiệp có 37 lớp, với 1.540 học sinh thành hai trường TH: Lạc Tân có 27 lớp, với 883 học sinh và Lạc Nghiệp có 20 lớp, với 657 học sinh…
Học sinh lớp 2 từ điểm lẻ Khánh Tường được chuyển lên học tập
tại điểm chính Trường TH Khánh Hội.
Sau khi thực hiện Đề án 1940, toàn tỉnh giảm 17 điểm trường và chia tách, thành lập mới 5 trường, nâng số trường học công lập từ mẫu giáo đến THCS từ 288 trường hiện nay lên 290 trường vào năm 2020. Một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học dôi dư được UBND các huyện, thành phố xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cơ sở trường lớp được ngành GD&ĐT huy động các nguồn lực xã hội tiếp tục đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Qua khảo sát thực tế tại một số điểm trường cần được sắp xếp theo Đề án 1940, chúng tôi ghi nhận sự đồng thuận cao của cán bộ, nhân dân các địa phương và đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học. Điểm lẻ Khánh Tường có 3 giáo viên đảm nhận giảng dạy 4 lớp, với 30 học sinh gồm có một lớp 1 có 9 học sinh, một lớp 3 có 9 học sinh và một lớp ghép 4+5 có 12 học sinh. Riêng lớp 2 có 5 học sinh được phụ huynh đưa lên điểm trường chính học tập từ năm học 2016- 2017, cách điểm lẻ khoảng 2 km. Ban Giám hiệu Trường TH Khánh Hội vận động đưa 30 học sinh Khánh Tường lên học tại điểm trường chính vào năm học 2018- 2019. Ông Đặng Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tường cho rằng con em học tại điểm lẻ tuy gần nhà nhưng các cháu rất thiệt thòi vì thiếu điều kiện học tập. Cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Khánh Tường đồng thuận cao với việc thực hiện Chỉ thị số 41 của Tỉnh ủy và Đề án 1940 của UBND tỉnh. Trong năm học tới, phụ huynh thôn Khánh Tường thống nhất đưa con em lên điểm trường chính Khánh Hội để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, phát triển toàn diện hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường TH Đô Vinh 1 cho biết điểm lẻ Xóm Dừa hiện có 50 học sinh gồm 16 học sinh lớp 1; 10 học sinh lớp 2; 24 học sinh lớp 3. Các bậc phụ huynh đồng thuận chủ trương chuyển con em về học tập tại điểm trường chính. Tuy nhiên để bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh tại điểm trường chính cần được cấp trên quan tâm sớm đầu tư xây dựng mới 4 phòng học và 2 phòng chức năng thay thế cho các phòng học đến nay đã hư hỏng nghiêm trọng.
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết toàn ngành tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tập trung triển khai thực hiện Đề án 1940 của UBND tỉnh. Việc dự kiến chia tách, thành lập mới 3 trường THCS và 2 trường tiểu học cần được xem xét cân nhắc, có thể thành lập trường phổ thông liên cấp để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng mạng lưới trường, lớp học bảo đảm ổn định, phát triển lâu dài và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư. Tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý và sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp lý. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh; chú trọng phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIII.
Sơn Ngọc