Tiềm năng gió đang được đánh thức
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận hiện có 14 vùng gió tiềm năng, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Tốc độ gió đo được bình quân trong năm đạt 7,1m/s, ở độ cao 65 m mật độ gió từ 400–500 W/m2 trở lên, đảm bảo ổn định cho tua-bin gió phát điện. Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nói trên, tỉnh ta đã lập Quy hoạch chi tiết về phát triển điện gió giai đoạn 2011–2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ban hành các chính sách ưu đãi, nhằm xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Điện gió Đầm Nại. Ảnh: V.M
Với sự nỗ lực của tỉnh, đến nay đã có 12 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực điện gió, với tổng công suất 877,4 MW, tổng diện tích đất khảo sát 7.097 ha và tổng vốn đăng ký trên trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, có 9 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, 3 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong số các dự án kể trên hiện có 4 dự án là: Nhà máy Điện gió Đầm Nại, Nhà máy Điện gió Công Hải, Nhà máy Điện gió Mũi Dinh và Nhà máy Điện gió Trung Nam đã khởi công. Sau một thời gian triển khai, hiện nay Nhà máy Điện gió Đầm Nại do liên doanh Công ty Cổ phần TSV và Công ty The Blue Circle làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc lắp đặt xong 3 tua-bin gió có công suất gần 8 MW và đã hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 10-2017. Đây là tiền đề quan trọng không chỉ mở ra triển vọng đánh thức tiềm năng về gió, mà còn tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển trong tương lai.
Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: Không phải ngẫu nhiên mà nhà đầu tư lại dám bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng các nhà máy điện gió ở tỉnh ta. Rõ ràng về lâu dài, các doanh nghiệp đã nhận ra vùng đất Ninh Thuận sẽ là “kho báu” nếu tiềm năng được khai thác đúng mức. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Đỗ Văn Điện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TSV cho rằng: Khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Ninh Thuận, chúng tôi thật sự hài lòng và bị thuyết phục bởi tiềm năng phát triển nguồn năng lượng điện gió ở đây. Không những vậy, các chính sách thu hút đầu tư cũng được tỉnh hết sức quan tâm, áp dụng ưu đãi ở mức cao nhất trong khung quy định của Nhà nước. Dự kiến trong quý I-2018, chúng tôi tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với khoảng 12 tua–bin gió, nâng tổng công suất của dự án lên khoảng 40 MW. Điều đó cho thấy tiềm năng, lợi thế về năng lượng gió trên địa bàn tỉnh đang dần được khai thác.
Hướng đến trung tâm năng lượng sạch
Trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột mà tỉnh ta ưu tiên phát triển theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì cụm ngành năng lượng đang được ưu tiên đầu tư hàng đầu, với tham vọng đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp khoảng 11% GRDP của tỉnh, giải quyết từ 5–8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Để hiện thực hóa vấn đề này, ngoài việc tập trung phát triển các dự án điện gió như đã nói trên, tỉnh ta còn chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát đầu tư 35 dự án điện mặt trời để lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất trên 3.033 MW, tổng diện tích đất khảo sát khoảng 6.960 ha và tổng vốn đăng ký khoảng 75.620 tỷ đồng. Trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực của tỉnh.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với quyết tâm của chính quyền tỉnh, sự an tâm, tin tưởng của các nhà đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 dự án cơ bản đủ điều kiện khởi công, trong đó: lĩnh vực điện gió có 1 dự án, lĩnh vực điện mặt trời có 6 dự án. Qua rà soát, dự kiến đầu năm 2018 có 3 dự án là: Nhà máy Điện gió Phước Hữu-Duyên Hải 1 của Công ty TNHH Hưng Tín (công suất 30 MW), tổng vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời SP Infra 1 của Công ty TNHH Tài chính hạ tầng Shapoorji Pallonji (công suất 50 MW), tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng và Nhà máy Điện mặt trời Phước Hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (công suất 50MW), tổng vốn đầu tư 1.425 tỷ đồng sẽ được khởi công.
Qua trao đổi với một số nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, đa số doanh nghiệp đều đánh giá cao về tiềm năng và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; đồng thời cho rằng việc doanh nghiệp quyết định triển khai dự án tại Ninh Thuận với mong muốn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao uy tín cho đơn vị, mà còn đồng hành cùng tỉnh thực hiện có trách nhiệm chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của cả nước. Liên hệ xa hơn, đó là trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh ta vào cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ lợi thế lớn nhất của Ninh Thuận là phát triển năng lượng tái tạo mà trọng tâm là điện gió và điện mặt trời. Thủ tướng tin tưởng, với lợi thế mà Ninh Thuận đang có, cộng với định hướng phát triển đã đề ra, có quy hoạch rõ ràng, sẽ là động lực để tỉnh khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này, góp phần đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, ngoài việc lập danh mục các dự án trọng điểm, tỉnh còn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách trong việc điều chỉnh giá mua điện cho các dự án, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình năng lượng này. Với cách làm như đã nói trên, tin rằng tương lai không xa, trên những cánh đồng hoang hóa trước đây, hàng trăm tua–bin phát điện từ sức gió sẽ mọc lên. Những cơn gió chướng từng làm khốn khó bao thế hệ cư dân vùng nắng gió Ninh Thuận sẽ chuyển mình sang “sứ mệnh” sản xuất ra năng lượng sạch, không chỉ cung cấp, bổ sung vào lưới điện quốc gia, mà còn giúp tỉnh tăng nguồn thu ngân sách, mở rộng phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế ngày một phát triển.
Văn Thanh