Trước thềm năm mới, cả hệ thống chính trị và toàn thể nông dân trên địa bàn huyện hạ quyết tâm thực hiện có kết quả chương trình nông nghiệp công nghệ cao, biến những bất lợi thành có lợi để phát triển sản xuất bền vững.
Thuận Nam quy hoạch vùng trồng măng tây xanh tập trung, quy mô lớn ở xã Phước Ninh.
Thuận Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do địa hình chia cắt, đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, về mùa khô nhiều cánh đồng ở hạ nguồn hồ Tân Giang, hồ Suối Lớn phải ngưng sản xuất do thiếu nước. Trước thực tế khó khăn, huyện chọn hướng đi riêng để phát triển nông nghiệp bền vững bằng cách đưa các đối tượng cây trồng ít sử dụng nước, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thu hẹp dần diện tích đất lúa; đồng thời, xây dựng bản đồ phân vùng tưới trên toàn huyện, triển khai kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm thất thoát nước với tổng chiều dài hơn 54,3 km.
Để đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân, Thuận Nam có cách làm thận trọng, theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn. Đầu tiên là triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó đưa vào sản xuất đại trà để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Trong năm 2017, tranh thủ nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện cung cấp giống mới, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân triển khai 7 mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, tạo chuyển biến về nhận thức của bà con trong thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Cụ thể, mô hình “Trồng mía trên đất lúa ứng dụng cơ giới” quy mô 10 ha tại xã Nhị Hà cho lợi nhuận cao đã biến vùng đất khô cằn trở nên trù phú. Mô hình “Chuyển đổi trồng thâm canh cây nho sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên đất lúa” quy mô 10 ha ở xã Phước Nam cũng đã mở hướng cho nông dân làm giàu trên đồng đất khô hạn.
Nhìn lại các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Thuận Nam để thấy, quá trình thực hiện, huyện chú trọng đưa các giống cây trồng ít sử dụng nước vào sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực. Mô hình trồng măng tây xanh sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm quy mô 4 ha tại xã Phước Ninh cho sản lượng bình quân 15 tấn/ha/năm đã chứng minh cách làm sáng tạo của huyện. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả đã nâng cao nhận thức của nhân dân về áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho từng loại cây trồng, từng mùa vụ, từ đó nâng cao được giá trị đơn vị diện tích, tạo sản phẩm có chất lượng, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thuận Nam gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như chưa huy động được doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị, làm vai trò tiên phong, đầu tàu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Giải pháp tháo gỡ vướng mắc huyện đưa ra là thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh. Tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tranh thủ tối đa các nguồn vốn xã hội hóa, các hình thức hợp tác để đầu tư hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm có lợi thế. Tăng cường công tác đối thoại nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác làm vai trò trung gian liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Với những giải pháp đồng bộ, tin rằng huyện Thuận Nam sẽ đạt được mục tiêu tiến tới hình thành vùng sản xuất cây trồng đặc thù ứng dụng công nghệ cao.
Anh Tùng