Phước Nam nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới

(NTO) Phước Nam là xã đầu tiên của huyện Thuận Nam đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9-2015. Trong hơn 2 năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Tính đến cuối năm 2017, cán bộ và nhân dân xã Phước Nam luôn giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

 
Hệ thống kênh mương nội đồng xã Phước Nam được đầu tư kiên cố đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của nông dân. 

Đồng chí Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phước Nam đưa chúng tôi ra thăm hệ thống kênh mương được Nhà nước hỗ trợ trên 20 tỷ đồng thi công 30 tuyến kênh mương nội đồng, với chiều dài 20.641 m, nâng tổng chiều dài hệ thống kênh mương toàn xã lên 28.135 m, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới. Công trình kênh mương vừa hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ tưới cho 418 ha lúa vụ đông-xuân 2017-2018. Trong đó có 117 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, thu hút 338 hộ tham gia. Nông dân địa phương đưa thiết bị cơ giới vào làm đất bảo đảm việc xuống giống đồng loạt theo đúng lịch thời vụ. Đứng trên cánh đồng Văn Lâm rộn vang tiếng máy làm đất, anh Cảnh phấn khởi: Đến tham quan thực tế và học tập kinh nghiệm tại xã Phước Hậu, chúng tôi xây dựng kế hoạch và vận động nông dân trong xã đồng thuận tham gia thực hiện cánh đồng lớn. Chính quyền giao cho Hợp tác xã Vật tư nông nghiệp Phước Nam trực tiếp liên hệ với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung ứng lúa giống ML 202 xác nhận và đầu tư ứng trước phân bón cho bà con gieo trồng. Đây là vụ lúa đầu tiên thực hiện cánh đồng lớn tập trung canh tác lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tạo mối liên kết “bốn nhà” trong việc cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm, áp dụng triệt để biện pháp “1 phải, 5 giảm” vào thâm canh cây lúa theo hướng bền vững. Địa phương vừa tổ chức sản xuất, vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện cánh đồng lớn trong những mùa vụ tiếp theo, góp phần nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trao đổi với lãnh đạo xã Phước Nam, chúng tôi được biết toàn xã hiện có 2.718 hộ, với trên 14.000 người dân sinh sống tập trung ở 7 thôn, đồng bào Chăm chiếm 87% dân số. Đời sống người dân dựa vào nguồn thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc có sừng. Tính riêng trong năm 2017, nông dân xã Phước Nam gieo trồng hai vụ lúa với diện tích 836 ha, năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Đồng thời, canh tác 65 ha nho, 55,5 ha táo, 30 ha cây hoa màu và 17 ha cỏ. Đặc biệt, nông dân chăn nuôi 38.787 gia súc có sừng, bao gồm: 5.110 con trâu bò, 33. 677 con dê, cừu, chiếm trên 31% đàn gia súc có sừng của huyện Thuận Nam. Nông dân Phước Nam áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với các mô hình tiêu biểu như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình VietGAP trên cây nho, tưới nước tiết kiệm, nuôi vỗ béo gia súc có sừng đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Tính đến nay, bình quân thu nhập đầu người của xã Phước Nam đạt 35,1 triệu đồng/người/năm, tăng 9,4 triệu đồng so với thời điểm đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện còn 6,9%, giảm 2 % so với cuối năm 2016.

Hệ thống điện, đường, trường, trạm được địa phương huy động các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Trong hai năm 2016 và 2017, Phước Nam đầu tư 4.818 triệu đồng bê tông 5.572 m đường giao thông, nâng tổng chiều dài các tuyến đường được ”cứng hóa” lên 16.924 m, đạt 87% tổng chiều dài các tuyến đường nội thôn và liên thôn. Các tuyến đường nội đồng được bê tông 5.120 m, đạt 98% giao thông nội đồng. Hệ thống giao thông được đầu tư bê tông khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa của nhân dân. Địa phương cũng vừa thành lập đưa vào hoạt động Hợp tác xã Dịch vụ vật tư nông nghiệp Phước Nam gồm 11 thành viên, vốn điều lệ 220 triệu đồng thực hiện việc cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, xã Phước Nam có 100% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt và sử dụng điện bảo đảm an toàn. Các tiêu chí về giáo dục, văn hóa, y tế, hệ thống chính trị, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh... của xã Phước Nam đều được đầu tư nâng cao chất lượng so với thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Bá Văn Cảnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền địa phương phấn đấu thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 41/2017/QĐ- UBND, ngày 31-5-2017 của UBND tỉnh. Huy động các nguồn lực xã hội tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5% vào năm 2020.