Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ, anh Mẫn đã quen với công việc chăn nuôi, trồng trọt. Chính nhờ lao động đã rèn luyện đức tính chịu thương, chịu khó, tư duy, khéo léo trong công việc. Sau khi xuất ngũ, năm 2007, anh Mẫn xin vào làm nhân viên Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Trong khoảng thời gian làm việc tại đây, hàng ngày, anh thấy siêu thị nhập một lượng lớn rau, củ, quả, mà hầu hết đều từ các tỉnh, thành phố lân cận. Anh tự hỏi, trong khi nhu cầu rau sạch của bà con mình khá lớn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh ta rất phù hợp để trồng các loại hoa màu, thực tế tỉnh ta cũng có nhiều vùng trồng rau, vì sao siêu thị phải nhập rau của các tỉnh bạn, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí vận chuyển. Để tự giải đáp thắc mắc của mình, anh lân la tìm hiểu và được biết, siêu thị không nhập rau trong tỉnh là vì chưa có cơ sở sản xuất rau sạch nào đáp ứng nguồn cung ổn định về chủng loại và số lượng; một số địa chỉ mặc dù đã xây dựng được thương hiệu nhưng thực tế việc áp dụng quy trình trồng rau đạt chuẩn sạch chưa được bà con thực hiện tốt, chưa tạo uy tín cho đối tác cũng như người tiêu dùng. Nhận thấy đây là cơ hội làm ăn tốt, lại vốn yêu thích làm nông nghiệp và mong muốn người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, đầu năm 2016, anh Mẫn quyết định thôi làm công việc tại siêu thị để về quê sản xuất, kinh doanh rau sạch, thực hiện ý định, khát vọng ấm ủ bấy lâu của mình.
Anh Lê Minh Mẫn.
Vạn sự khởi đầu nan, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Mẫn gặp không ít khó khăn. Để có vốn làm ăn, anh vay ngân hàng 100 triệu đồng, vay mượn một số người thân trong gia đình, tổng cộng được hơn 200 triệu đồng đầu tư mua máy cày tay, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, mua phân chuồng, vôi, đất bồi phù sa, thuê xe chở về cải tạo 3 sào đất ruộng, trong đó anh chọn 1 sào đầu tư làm nhà lưới trồng rau. Vừa xây dựng cơ sở, anh Mẫn vừa nghiên cứu, học tập kỹ thuật, quy trình trồng rau sạch. Sau gần 2 tháng miệt mài, đổ mồ hôi công sức, vụ rau đầu tiên gồm các loại: cải, mướp, bí xanh, hành… được xuống giống. Anh Mẫn chia sẻ: Ngoài nghiên cứu tài liệu từ sách báo, tôi còn có người anh họ làm kỹ sư nông nghiệp, nên trước, trong quá trình thực hiện mô hình, tôi được hướng dẫn tận tình, cụ thể nên cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, bản thân không khỏi cảm thấy rất lạ lẫm vì có nhiều kỹ thuật mới mà trước đây mình chưa từng biết đến. Chính sự mới mẻ này càng làm cho tôi thấy hứng thú, có thêm quyết tâm, niềm tin để thực hiện đến cùng mục tiêu, hoài bão. Cũng theo anh Mẫn, cái lợi trồng rau trong nhà lưới là hạn chế đáng kể sự xâm nhập của côn trùng, sâu bệnh. Những vụ gặp mưa gió lớn, rau được bảo vệ nên tránh tình trạng dập nát, trôi giống, mất trắng như trồng ở bên ngoài. Mặt khác, để sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn sạch, an toàn, chất lượng, từ khâu xuống giống cho đến khâu thu hoạch, bảo quản, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản được loại trừ hoàn toàn; thay vào đó, anh chỉ sử dụng phân bón vi sinh, vôi, phân chuồng đã được ủ để cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất; dùng nước ngâm với ớt, gừng, tỏi để phun cho rau, với tần suất từ 2-3 lần/tuần để phòng ngừa các loại sâu bệnh. Do thực hiện đúng kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, nên các vụ rau đều đạt năng suất, chất lượng tốt.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, quan trọng hơn để bà con, người tiêu dùng biết và tin tưởng giá trị thực sự của “rau sạch” vụ rau đầu, anh Mẫn tự tay mang sản phẩm đến tận gia đình bạn bè, người thân và một số chợ để chào hàng, giới thiệu; chủ động mời nhiều khách hàng đến tận nơi tham quan cơ sở. Anh tìm đến Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tỉnh yêu cầu được hướng dẫn thực hiện thêm quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản để đạt được chuẩn về an toàn thực phẩm. Sau nhiều vụ rau có lãi, anh tích được vốn xây dựng thêm khu sơ chế, đóng gói và mở rộng mô hình trồng rau trong nhà lưới lên 5 sào, với hơn 20 loại rau, củ, quả các loại. Cơ sở cũng đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Do chi phí sản xuất cao, nên giá các loại rau củ, quả của cơ sở cao hơn giá bên ngoài khoảng 20-30%. Tuy nhiên, với cách làm uy tín, cộng với nhu cầu thực phẩm sạch khá lớn, tiếng lành đồn xa, sản phẩm của Cơ sở rau, củ, quả an toàn Thu Nga được nhiều người biết đến, chọn lựa. Hiện anh Mẫn đã hợp đồng cung cấp rau cho nhiều bếp ăn trong hệ thống trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Ninh Phước, cơ sở dịch vụ nấu ăn, tiệc cưới và đặc biệt đã được Siêu thị Co.opmart Thanh Hà hợp đồng tiêu thụ nhiều loại rau, củ, quả, với sản lượng khoảng 100 kg/ngày. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ được trên 4 tấn rau, củ, quả, giúp anh thu lãi trên 20 triệu đồng.
Anh Mẫn cho biết: Trước mắt, tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm 4 sào rau trồng trong nhà lưới. Và nếu công việc sản xuất, kinh doanh tiến triển tốt, sẽ tiếp tục mở rộng mô hình; mục tiêu không chỉ vì lợi nhuận, mà tôi muốn cung cấp thêm nhiều sản phẩm rau sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng; đồng thời sẽ thực hiện bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm rau sạch của cơ sở mình.
Tin rằng với ý chí, quyết tâm, sự nhanh nhạy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, anh Mẫn sẽ đạt được mục tiêu, hoài bão của mình, đưa thương hiệu Cơ sở rau, củ, quả an toàn Thu Nga ngày càng phát triển.
Uyên Thu