Cần có biện pháp giải quyết tình trạng sang nhượng đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thuận Bắc

(NTO) Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo) đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta nói chung và huyện Thuận Bắc nói riêng có đất sản xuất để ổn định đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

Thế nhưng, trong những năm qua, tình trạng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc) sang nhượng trái phép đất sản xuất theo Chương trình 134 đã làm ảnh hưởng tới chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2008, thôn Kiền Kiền 2 (xã Lợi Hải) có 18 hộ được cấp đất sản xuất theo Chương trình 134, mỗi hộ được cấp từ 2,5-3 sào để canh tác, nhưng thời điểm đó, do chưa có hệ thống nước tưới, thời tiết không thuận lợi nên một số nông dân đã để đất trống, không sản xuất, một số hộ thì trồng bắp, trồng mì và mía nhưng cũng không mang lại hiệu quả. Đến năm 2011, bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân sang nhượng đất cho người ở địa phương khác, ban đầu chỉ có vài hộ nhưng đến nay đã có 15 hộ đã bán phần đất được Nhà nước hỗ trợ với giá từ 11-15 triệu đồng. Điều đáng nói là tất cả các phần đất được sang nhượng đều là trao đổi, giao dịch qua giấy tay. Ông Chamaléa Ninh, Trưởng thôn Kiền Kiền 2 cho biết: Mới đây, khi UBND huyện có chủ trương vận động bà con cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang thuê lại những phần đất không sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả để trồng mía với giá hợp lý thì mới vỡ lẽ ra sự việc là bà con đã sang nhượng gần hết số diện tích đất được cấp.

Theo tìm hiểu, sau khi bán đất, một số hộ dùng tiền đó mua bò, dê nhưng cũng có hộ lại mua xe máy sau đó thì đi làm thuê, làm mướn hoặc lên rẫy ở tận núi cao để sản xuất. Chị Chamaléa Thị Chữ, thôn Kiền Kiền 2 cho biết: Được Nhà nước cấp 3 sào đất từ năm 2008, trước đây gia đình cũng trồng một số loại cây nhưng cũng không hiệu quả, do khoảng cách từ nhà đến nơi sản xuất xa, đi lại vất vả nên cũng để đất trống, khi có người hỏi mua lại phần đất đó thì gia đình cũng đồng ý bán luôn. Việc sang nhượng cũng chỉ là thỏa thuận miệng chứ không qua xã để xác nhận làm giấy tờ.

Không riêng gì thôn Kiền Kiền 2, mà tại một số thôn khác tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng đất sản xuất theo Chương trình 134 cũng ngấm ngầm diễn ra tại các thôn: Ấn Đạt, Bà Râu 2, Suối Đá... Ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: Năm 2008, được Nhà nước cấp đất sản xuất theo Chương trình 134 cho 171 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với diện tích 50,4 ha. Vừa qua khi phát hiện một số hộ đã sang nhượng đất sản xuất nên UBND xã cho rà soát, kiểm tra lại để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng này. Trước mắt, UBND xã vận động người dân đã bán đất thỏa thuận với người mua trả lại số tiền đã nhận để chuộc lại đất; đồng thời tiếp tục tuyên truyền để những hộ còn lại không được sang nhượng số diện tích đất được Nhà nước hỗ trợ. UBND xã cũng đã báo cáo với UBND huyện để chỉ đạo hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, UBND huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo các phòng chức năng cùng các địa phương được cấp đất sản xuất theo Chương trình 134 tổ chức thanh tra toàn diện việc sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời trong thời gian tới sẽ có biện pháp để giải quyết, xử lý những diện tích đất mà người dân đã sang nhượng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và mục đích sử dụng diện tích đất được Nhà nước hỗ trợ.