Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế, qua 3 vụ sản xuất năm 2017, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 24.952 ha, vượt 5,06% kế hoạch, tăng 1,65% so với cùng kỳ. Trong đó, cây lương thực vẫn là cây trồng chủ lực đạt gần 13.969 ha, bằng 105,03% kế hoạch và tăng 0,06% so với cùng kỳ. Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng chủ lực nói riêng và sản xuất nông nghiệp toàn huyện nói chung, huyện đã từng bước chú trọng đến chất lượng sản xuất bằng việc khuyến khích nông dân ứng dụng nhiều mô hình mới đã qua chọn lọc, kiểm chứng như: mô hình tưới tiết kiệm cho cây mía, bắp; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình tận dụng phụ phẩm lá cây mì lên men làm thức ăn cho gia súc trong mùa hạn;... Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã chủ động triển khai chuyển đổi 160,8 ha cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 117,37% so với kế hoạch; thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cánh đồng lớn trồng mía, với diện tích 180,6 ha tại xã Quảng Sơn; triển khai thí điểm 5 tổ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm mỳ với diện tích 337,2 ha.
Nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cỏ, giúp tiết kiệm nước tưới và công lao động.
Không dừng lại ở đó, với mục tiêu giúp nông dân có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính nông dân trong huyện sản xuất, huyện đang triển khai thực hiện mô hình thí điểm và liên kết sản phẩm nông sản an toàn cung cấp cho gian hàng nông sản sạch, nông sản an toàn tại chợ Tân Sơn (thị trấn Tân Sơn). Theo lãnh đạo địa phương, đây là một trong những bước phát triển nông nghiệp mà huyện đã ấp ủ từ lâu, mô hình này bao gồm trồng rau, củ, quả an toàn 0,4 ha, nuôi gà ta thả vườn 300 con, trồng lúa sạch 0,4 ha, liên kết các sản phẩm như giá đỗ, đậu hủ, trái cây các loại, với tổng kinh phí mô hình trên 91,18 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 82,29 triệu đồng. Hiện nay, mô hình đang được triển khai đến từng nông hộ. Không riêng mô hình này, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông, trên địa bàn huyện còn có các mô hình mới được đưa vào sản xuất như mô hình nhân giống lúa chất lượng (giống TH41 nguyên chủng) tại xã Nhơn Sơn, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha; mô hình thâm canh cây bắp vụ hè -thu tại xã Mỹ Sơn; mô hình thâm canh cây đậu xanh trên đất lúa (vụ hè-thu) tại xã Ma Nới;...
Hòa Sơn là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp. Trong năm qua, nhờ áp dụng hiệu quả các mô hình công nghệ tiên tiến trong sản xuất, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của huyện thông qua việc liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư FOCOCEV bao tiêu sản phẩm mỳ, bộ mặt kinh tế của xã đã có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, đối với sản xuất cây mỳ, xã đã thành lập 2 tổ thí điểm mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đối với các nông dân là thành viên và không phải thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Sơn. Theo đó, các tổ liên kết sản xuất đã đăng ký với diện tích 244,8 ha/105 hộ. Thông qua các tổ này, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư FOCOCEV đã tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ mỳ tươi niên vụ 2017-2018 cho bà con. Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, địa phương đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây mỳ, mía, cỏ đạt hiệu quả, bước đầu đã có 76 nông hộ tham gia trên diện tích 86 ha. Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Huỳnh Văn Hòa (thôn Tân Lập, xã Hòa sơn) phấn khởi chia sẻ: Chi phí khi lắp hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha thì mức đầu tư dao động từ 15-20 triệu đồng nhưng sử dụng được trên 4 năm và có thể di chuyển tới vị trí cây trồng khác. Với 1 ha thì thời gian tưới giảm được khoảng 24 giờ/lần tưới, đồng thời lượng nước tiết kiệm trên 300 m3/lần so với tưới cổ truyền. Nhờ đó, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt năng suất bình quân trên cây mía từ 60-70 tấn/ha, còn cây mì có thể từ 20 tấn/ha lên đến 35-40 tấn/ha. Có năng suất, chất lượng, không mất nhiều thời gian, chi phí, lại có được đầu ra ổn định, nên gia đình tôi rất yên tâm, không còn phải lo lắng bị thương lái ép giá như trước đây... Theo lãnh đạo xã Hòa Sơn cho biết, địa phương thuộc vùng khô hạn, sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời, nên việc ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm giúp cho nông dân mở rộng được diện tích sản xuất có nước tưới, đồng thời, năng suất cây trồng tăng cao, góp phần ổn định đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương. Đặc biệt, hầu hết người dân địa phương đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Nâng cao chất lượng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là xu thế tất yếu, địa phương đã và đang có những giải pháp thích hợp để nhân rộng các mô hình này phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng. Mặt khác, trên cơ sở những mô hình sản xuất hiệu quả, huyện sẽ có sự hỗ trợ về mọi mặt để bà con phát triển thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, qua đó tạo mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.
Mai Dũng