Ngày 13-10-2017, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 2 phút, ghi lại cảnh đánh nhau của 2 học sinh nữ đã thu hút rất nhiều người xem. Hai nữ sinh được xác định gồm P.A và P.Tr đều đang học lớp 6, tại Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Chỉ vì mẫu thuẫn nhỏ do “nghe nói người này ghét người kia”, nên cả hai hẹn nhau ra Quảng trường 16 Tháng 4 để “hỏi chuyện”. Khi gặp nhau, cả hai đã lao vào ẩu đả, trong sự kích động của nhóm bạn đi cùng. Chứng kiến sự việc có 13 học sinh, nhưng không ai có ý định can ngăn hoặc trình báo cho người có trách nhiệm xử lý, ngăn chặn. Không những thế, nhóm học sinh này còn hô hào, nói tục, xô đẩy làm cho sự việc thêm phức tạp. Trong số đó, có 2 học sinh đã sử dụng điện thoại di động để quay lại hình ảnh phản cảm này...
Trước đó không lâu, ngày 11-10-2016, trên trang mạng xã hội cũng xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh nữ (gồm 6 em, tuổi từ 11-19), chặn đánh một bạn gái tại khu vực kè biển Đông Hải (thuộc khu phố 1, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chỉ vì đi xe máy ngang qua dám nẹt pô quá to. Trong số nữ sinh tham gia, có em từng học và đang theo học Trường THCS Đông Hải. Qua xác minh, trường xác nhận có hai em đang học lớp 6 và lớp 9 tại trường, một em vừa chuyển trường, số còn lại đã bỏ học.
Mặc dù những vụ ẩu đả trên chưa để lại thương tích nghiêm trọng, nhưng qua đây cho thấy sự vô cảm và nhận thức lệch lạc, thiếu chuẩn mực của các em trước hành vi bạo lực và sự ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Rất may là chỉ sau một thời gian ngắn, giáo viên nhà trường đã phát hiện, tìm hiểu rõ nguyên nhân, nắm rõ các đối tượng tham gia trong vụ việc để phối hợp với gia đình, lực lượng chức năng xử lý. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết: Sự việc xảy ra sau giờ học và ngoài phạm vi nhà trường nên không thuộc trách nhiệm quản lý của giáo viên. Nhưng khi biết thông tin, nhà trường đã tìm hiểu rõ và mời các em tới tường trình và cam kết không tái phạm.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, quá trình tìm hiểu, hầu hết các em trong số này đều thiếu sự quan tâm, giáo dục cần thiết của gia đình. Có trường hợp, bố mẹ bất hòa, li dị hoặc ít có thời gian, điều kiện gần gũi chăm sóc, quan tâm con cái. Để phối hợp, giáo dục các em, nhà trường đã mời các phụ huynh, người đỡ đầu của các em tới trường, phối hợp với công an địa phương nhắc nhở, răn đe để các em rút kinh nghiệm, gỡ clip có nội dung thiếu lành mạnh, không để phát tán tới nhiều người.
Theo Công an phường Mỹ Bình, mặc dù nhà trường và công an địa phương đã tăng cường phối hợp, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới các em học sinh nhưng do ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội, với việc tiếp cận nhiều thông tin không được chọn lọc, lại không được người lớn định hướng kịp thời nên các em hình thành suy nghĩ, hành động lệch lạc, thiếu chuẩn mực; kỹ năng sống và xử lý tình huống mâu thuẫn rất non nớt, hạn chế. Do đó, nhà trường và gia đình cần quan tâm gần gũi, nắm bắt tâm lý, định hướng tuyên truyền, giáo dục cho các em về mặt tâm lý và nhân cách.
Hiện nay, sự phát triển của các trang mạng thông tin khiến clip được tung lên mạng xã hội có sức lan truyền rất mạnh. Đã có clip đánh nhau ở lứa tuổi học sinh được tung lên mạng khiến em học sinh bị đánh xấu hổ, uất ức… dẫn đến những hành vi đáng tiếc. Để ngăn chặn tình trạng này, các trường học cần tăng cường giáo dục, thực hiện nghiêm nội quy đối với học sinh, tránh để vụ việc đáng tiếc tiếp tục xảy ra. Đối với các bậc phụ huynh cần quan tâm, nắm bắt tâm lý, lứa tuổi của con em, có sự khuyên răn, định hướng, động viên giúp các em nhận thức, phân biệt các hành vi sai trái.
Anh Tuấn