|
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Bạn đọc hỏi: Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có những giải pháp gì để tạo bước đột phá nhằm nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học theo nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2017-2018?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2017-2018, tỉnh ta có hơn 10.350 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho hơn 132.000 học sinh thuộc 327 cơ sở giáo dục, bao gồm 91 trường mầm non, 236 trường phổ thông. Toàn ngành GD&ĐT tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị năm học của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT theo 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kế hoạch hành động số 492/KH-UBND ngày 18-2-2016 của UBND tỉnh về đổi mới công tác quản lý GD&ĐT tạo sự đột phá về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể để tạo bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học 2017-2018 như sau:
- Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
- Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
- Tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm công dân của học sinh đối với cộng đồng, xã hội.
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lý học sinh; xây dựng kế hoạch, các giải pháp để thực hiện Chương trình tích hợp được triển khai ở bậc trung học phổ thông.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và quản lý giáo dục, triển khai có hiệu quả Kế hoạch 1951/KH-UBND ngày 25-5-2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” tỉnh Ninh Thuận.
Nhiều phụ huynh ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hỏi: Tình hình dạy và học bộ môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh ta được triển khai như thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện theo Thông báo số 424-TB/VPTU ngày 4-9-2014 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong đó có nội dung đề xuất của ngành về việc dạy, học tiếng Anh cấp tiểu học, qua đó Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo như sau: “Việc bảo đảm biên chế giáo viên dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học là cơ hội để cho học sinh tiếp cận, phát triển ngoại ngữ và trong chương trình giáo dục cấp tiểu học môn tiếng Anh chưa phải là môn học bắt buộc mà là môn tự chọn, vì vậy nên giữ nguyên hiện trạng như hiện nay; nơi nào không có nhu cầu thì không ép buộc”. Đến nay, cấp tiểu học tỉnh ta đã triển khai dạy tiếng Anh cho 149/152 trường, hiện còn 3 trường tiểu học chưa thực hiện: Trường TH Phước Trung B (Bái Ái), Trường TH Hòa Sơn, Trường TH Ma Nới (Ninh Sơn).
Về thuận lợi, việc tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình mới (10 năm) trong trường phổ thông được các trường học, giáo viên, học sinh, phụ huynh quan tâm hưởng ứng. Đồng thời được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như: Việc dạy học tiếng Anh cấp tiểu học tại tỉnh đang áp dụng chương trình môn học tự chọn vì chưa được giao chỉ tiêu biên chế hoặc hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh; kinh phí hợp đồng giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học còn thiếu; kinh phí chi trả hợp đồng giáo viên tiếng Anh chưa được quy định cụ thể thống nhất trong toàn tỉnh mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng trường, từng huyện, thành phố.
Sơn Ngọc (thực hiện)