Theo phong tục truyền thống của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh ta, hàng năm cứ đến mùa Lễ hội Katê, người Chăm ở các thôn Phước Đồng, Hiếu Lễ thuộc xã Phước Hậu; thôn Hòai Trung, Như Bình cùng với đồng bào Raglai ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái (huyện Ninh Phước) lại rước kiệu về Tháp Pôklong Garai. Việc tổ chức Lễ hội ở Tháp Pôklong Garai là dịp để bà con người Chăm thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của mình đối với các vị thần linh và vua Pôklong Garai là người có công lớn trong việc hướng dẫn người Chăm phát triển sản xuất, nhất là có công “dẫn thủy nhập điền”, khởi đầu xây dựng hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm. Đây cũng là dịp để đồng bào Chăm cầu mong các vị thần làm cho “mưa thuận, gió hòa”, giúp cho bà con đẩy mạnh sản xuất, phát triển đời sống. Bà Đàng Thị Lực, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) phấn khởi cho biết: Năm nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh thực hiện nhiều chính sách phát triển và xây dựng nông thôn mới, đã nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm; bộ mặt nông thôn và đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội của đồng bào Chăm có những khởi sắc, hòa chung cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tạo không khí phấn khởi để bà con vui đón Lễ hội Katê trang trọng, chu đáo.
Lễ hội đền tháp Poklong Garai không chỉ phản ánh sinh hoạt của cộng đồng mà còn là nơi lưu giữ các sắc thái văn hoá của dân tộc Chăm. Vì vậy, Lễ hội Katê năm nay thu hút đông đảo sinh viên, các nhà nghiên cứu văn hóa và du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu, nghiên cứu. Qua đó, đã tạo không khí Lễ hội thêm sôi động và náo nức. Chị Trần Thị Kim Chi, du khách TP.Đà Nẵng cho biết: Lần đầu tiên được tham dự Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn là một trải nghiệm khó quên. Thực sự đây là một lễ hội rất đặc sắc và thú vị với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Nếu có dịp mình sẽ rủ bạn bè tiếp tục quay lại đây để tham dự Lễ hội vào năm tới.
Năm nay, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn còn có thêm niềm vui và tự hào khi “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự đóng góp to lớn của người Chăm, của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam, tạo thêm sắc màu sinh động cho tổng thể văn hóa Việt Nam.
Thế Quang