Nghệ nhân làng Hiếu Lễ

(NTO) Chúng tôi về thôn Hiếu Lễ tìm gặp Nghệ nhân Vạn Sổ, ông nêu gương sáng tiêu biểu trong phong trào người cao tuổi gìn giữ, phát huy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc Chăm xã Phước Hậu, ông đã tận tâm truyền dạy cho nhiều thanh niên trở thành nhạc công sử dụng thành thạo trống ghi năng và kèn saranai phục vụ hoạt động lễ hội, văn nghệ địa phương. Ông được cán bộ và nhân dân tin yêu tôn vinh Nghệ nhân dân gian làng Hiếu Lễ.

 
Nghệ nhân Vạn Sổ cùng học trò Lương Thiện Chí biểu diễn trống ghi năng đón mừng năm mới Chăm lịch.

Nghệ nhân Vạn Sổ tất bật vừa hướng dẫn các diễn viên “nhập vai” tiểu phẩm tuyên truyền vận động bà con thôn xóm tích cực tham gia cánh đồng lớn do ông viết kịch bản và đạo diễn. Ông vừa chỉ đạo ban nhạc truyền thống dân tộc Chăm hòa tấu tham gia chương trình văn nghệ nhân dịp đón mừng năm mới 2017 theo Chăm lịch. Trao đổi với Nghệ nhân Vạn Sổ, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông đã từng khăn gói ra Nha Trang theo học ngành dược tá. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều động về công tác tại Bệnh viện Phan Rang. Đến năm cuối 1985, ông xin nghỉ việc về nhà sớm hôm chăm lo làm ruộng nuôi đàn con ăn học. Khi các con trưởng thành, cuộc sống gia đình ổn định, ông tham gia công tác xã hội với vai trò Trưởng Ban quản lý thôn Hiếu Lễ. Nhìn thấy đội ngũ nhạc công biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong làng ngày lớn tuổi thiếu người kế thừa, ông đến xin thọ giáo Nghệ nhân Quảng Thiều là bậc thầy trong nghề biểu diễn trống ghi năng ở Hiếu Lễ. Sau nhiều tháng miệt mài theo thầy Quảng Thiều chỉ giáo biểu diễn 58 bài trống nhạc lễ và 12 bài trống phục vụ văn nghệ quần chúng. Ông Vạn Sổ được thầy Quảng Thiện cho đánh trống cúng Chà và lớn kéo dài suốt 4 đêm tại nhà bà bóng Thị. Nhân dịp này, thầy Quảng Thiện làm lễ công bố cho cộng đồng biết ông Vạn Sổ trưởng thành trở thành nhạc công biểu diễn trống ghi năng phục vụ lễ hội cho bà con thôn xóm. Ông Vạn Sổ được người cha vợ là Nghệ nhân Dương Tấn Quyển truyền dạy bài bản biểu diễn kèn Saranai. Lòng đam mê nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm giúp ông tiếp thu nhanh bài bản do các thầy truyền đạt. Khi biểu diễn, ông gởi hồn vía theo từng nhịp trống, tiếng kèn tạo thành âm thanh rộn rã vui tươi được công chúng ngợi khen.

Đầu năm 1993, ông được UBND xã Phước Hậu cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Chăm. Ông mở lớp truyền dạy trống ghi năng và kèn saranai cho 22 học viên. Sau hơn ba tháng, ông tận tâm truyền nghề “miễn phí” cho những người yêu thích nhạc cụ dân tộc. Qua hội đồng kiểm tra đánh giá khả năng biểu diễn của các học viên, có 6 người được công nhận nhạc công ghi năng và 4 người được công nhận nhạc công saranai. Những người được Nghệ nhân Vạn Sổ truyền dạy nhạc cụ như Lương Thiện Chí, Vạn Duy Lanh, Đàng Tặng, Vạn Văn Lạc…ngày càng trưởng thành trong hoạt động biểu diễn phục vụ lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa của Nhân dân địa phương. Câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc Chăm xã Phước Hậu hiện có 22 hội viên thường xuyên sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm biểu diễn. Đồng thời xây dựng quỹ trên 15 triệu đồng giúp hội viên vay sản xuất và thăm hỏi nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Nghệ nhân Vạn Sổ đoạt giải A Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2011 tại Phú Yên với tiết mục “Hát lễ khoản đãi Vua Pôklong Garai”. Nghệ nhân Vạn Sổ vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Hội đồng chuyên ngành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Hán Ánh, Trưởng Ban quản lý thôn Hiếu Lễ nhận xét:”Nghệ nhân Vạn Sổ là điển hình tiêu biểu người cao tuổi tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào Chăm địa phương. Ông luôn đi đầu trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và tích cực vận động bà con tộc họ đoàn kết xây dựng xã Phước Hậu đạt chuẩn nông thôn mới, tham gia cánh đồng lớn đang được thực hiện thí điểm tại thôn Hiếu Lễ”.