Ông Hán Quân biểu diễn trống Ghi-năng.
Từ nhỏ, khi xem các nghệ nhân biểu diễn trống Ghi-năng, Paranưng, kèn Saranai, ông Quân cảm thấy thích thú, say mê và mong muốn mình có thể chơi được những nhạc cụ trên. Vì đam mê, ông theo học các nghệ nhân, đến giờ đã sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ trên và với sự tò mò của tuổi trẻ, ông quyết tâm học cách làm trống Ghi-năng và Paranưng. Để làm được 2 loại nhạc cụ này, ông phải lên rừng tìm gỗ và mua da trâu, gỗ lim là lựa chọn tốt nhất để âm thanh nghe trầm và bổng hơn. Theo ông, để làm trống phải qua 3 giai đoạn: đục lỗ, kéo dây và bịt lỗ. Khâu khó nhất là đục lỗ. Đối với trống Ghi- năng phải đục 1 khúc gỗ dài 75cm, rộng từ 30-40cm thành hình trụ và rỗng bên trong, còn Paranưng rộng 40-45cm, cao 20cm; tiếp đó là kéo dây, công đoạn này phải khéo léo, tỉ mỉ, kéo thật căng dây, âm thanh mới có chất lượng tốt. Công đoạn cuối là bịt 2 bên (Ghi-năng), 1 bên (Paranưng) bằng da trâu. Để hoàn thành 1 sản phẩm, nhanh nhất khoảng 15 ngày (trống Ghi- năng) và 10 ngày (Paranưng). Mỗi bộ trống Ghi-năng bán với giá 7-8 triệu đồng/cặp, Paranưng giá từ 3-4 triệu đồng. Ông chia sẻ: Để tạo ra trống, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ, kỹ thuật cao... Làm ra một sản phẩm là cả một quá trình rất công phu. Tôi làm vì niềm đam mê, yêu thích và muốn bảo tồn nhạc cụ của dân tộc mình.
Dù đã tuổi 70 nhưng ông trông rất khỏe và khéo tay. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm trống Ghi-năng và Paranưng, ông có một người bạn cũng “nặng lòng” với nhạc cụ dân tộc là cố nghệ nhân Thiên Sanh Thềm. Hai người thường trao đổi, chia sẻ với nhau về cái “duyên” và tình yêu của mình đối với các loại nhạc cụ này.
Lễ hội Katê đang đến thật gần, tiếng trống Ghi-năng, Paranưng và kèn Saranai sẽ vang réo rắt trên đỉnh tháp Chăm, trong các làng Chăm, mang theo niềm vui của những người “tạo hồn” các nhạc cụ.
Minh Khai