Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thêm vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc, hạn chế của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, đó là nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên gấp 2 lần. Đối với các HTX phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, tối đa mức vay lên tới 1 tỷ đồng; trình tự, thủ tục vay vốn cũng đơn giản hơn trước.
Ngân hàng đầu tư vốn cho các HTX thực hiện mô hình liên kết trồng bắp lai,
nông nghiệp công nghệ cao.
Xác định chính sách của Nhà nước sẽ “khai thông” nguồn vốn cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, nên ngay sau khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương nhanh chóng “vào cuộc”. Thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn HTX lập thủ tục vay vốn, với quyết tâm giải ngân nhanh nguồn vốn ưu đãi. Tuy vậy, đến nay các ngân hàng thương mại cũng chỉ mới cho 4 HTX vay, với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng, 39 HTX nông nghiệp còn lại chưa tiếp cận được vốn, nên dù đã chuyển sang mô hình kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 nhưng hoạt động vẫn như cũ. Nguyên nhân chính dẫn đến các HTX khó tiếp cận vốn ưu đãi đó là do tồn đọng nợ kéo dài làm mất niềm tin của các tổ chức tín dụng. Đơn cử, HTX Hộ Diêm (Hộ Hải) nợ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Hải hơn 90 triệu đồng không còn khả năng trả do hoạt động kém hiệu quả. Hạn chế của HTX Hoài Trung (Phước Thái) không phải vì yếu kém trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, mà do các thành viên chiếm dụng nợ hơn 2 tỷ đồng kéo dài chưa giải quyết được. Một số HTX khác cũng có tồn tại tương tự, nên các tổ chức tín dụng không dám chắc thu hồi được vốn nếu tiếp tục cho vay.
Qua rà soát việc thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh, thấy được, nhu cầu vay của HTX rất lớn, nhưng ngân hàng không thể giải ngân vốn do khách hàng chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nhưng hiện nay số HTX đổi mới hoạt động theo hình thức này chưa nhiều. Ngoài HTX Tuấn Tú (An Hải), HTX Phước Hậu (Phước Hậu), HTX Phước An (Phước Vinh) liên kết với doanh nghiệp sản xuất măng tây xanh, bắp lại, lúa giống được ngân hàng đầu tư mạnh, các HTX còn lại sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu làm dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện vay vốn.
Theo Nghị định này, ngân hàng sẽ cho HTX vay không cần thế chấp tài sản, với số vốn tối đa 1 tỷ đồng, kèm theo điều kiện các HTX phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi, đảm bảo được các tiêu chí về tư cách pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và khả năng hoàn trả vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay trình độ quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ HTX còn thấp, phương án kinh doanh của HTX chưa thuyết phục được các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vì vậy, để đảm bảo được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, vấn đề cần làm hiện nay là các HTX phải chứng minh được hiệu quả của các dự án đầu tư.
Anh Tùng