Tính đến đầu tháng 8, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh ta đã vào vụ chính, với diện tích thả nuôi gần 610 ha, bao gồm 542,5 ha tôm thẻ chân trắng và 67,5 ha tôm sú; đạt 64,2% kế hoạch năm. Tại khu vực đầm Nại (Ninh Hải), nhờ thời tiết trong tháng qua khá thuận lợi; việc duy tu, nạo vét hệ thống kênh mương đã hoàn thiện; kết hợp với việc Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường tập huấn tuyên truyền, chỉ đạo hoạt động sản xuất theo kế hoạch mùa vụ và giá bán tôm thương phẩm ổn định nên diện tích thả nuôi tăng cao. Đáng chú ý là vùng nuôi này đang có sự chuyển đổi dần đối tượng cũng như hình thức nuôi, cụ thể là từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm sú, từ nuôi thâm canh, bán thâm canh sang nuôi quảng canh cải tiến nhằm vừa hạn chế đầu tư, vừa giảm thiểu rủi ro.
Mô hình nuôi cá bớp trong ao tại xã An Hải (Ninh Phước).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hơn 7 tháng qua, toàn tỉnh tuy có 40,3 ha diện tích tôm bệnh, song nếu so với tổng diện tích thả nuôi, thì ao đìa có tôm bệnh chỉ chiếm tỷ lệ thấp và được coi là biểu hiện ổn định, không đáng lo. Theo cán bộ chuyên môn ngành Thủy sản, chuyện tôm bệnh là bình thường, nhất là tại các vùng nuôi lâu năm. Tuy nhiên, trong khi ở khu vực đầm Nại tôm đang nuôi sinh trưởng và phát triển bình thường, thì tại khu vực nuôi trên cát An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) tình trạng tôm nuôi chậm lớn vẫn diễn ra khá phổ biến. Anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Các vi bào tử trùng bệnh không làm tôm chết nhưng làm chậm lớn, tăng chi phí và để khắc phục, người nuôi chỉ còn cách chờ thu hoạch xong xả bỏ, cải tạo lại đìa. Về sản xuất giống thủy sản, cho đến hết tháng 7, toàn tỉnh ta đã sản xuất được 14 tỷ con tôm giống (2,96 tỷ tôm sú giống và 9,22 tỷ tôm thẻ giống) và 100 triệu con ốc hương giống. So với các tháng đầu năm, hoạt động sản xuất giống có thuận lợi hơn. Đối với ốc hương, đối tượng nuôi quan trọng chỉ sau tôm, tính trong hơn 7 tháng qua có 105,6 ha diện tích thả nuôi trên địa bàn tỉnh, bao gồm 97,5 ha ở Thuận Nam và 8,1 ha tại Ninh Hải. Ốc hương thương phẩm được nuôi theo 2 hình thức, cụ thể các xã Tri Hải, Vĩnh Hải, Tân Hải, Hộ Hải, Phương Hải (Ninh Hải) nuôi ốc trong ao đất và tại khu vực Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam) nuôi ốc trên ao trải bạt. Tính đến cuối tháng 7, sản lượng ốc hương thu hoạch đạt khoảng 950 tấn. Giá bán ốc thương phẩm dao động ở mức cao, từ 220.000 - 250.000 đồng/kg (loại 140 con/kg), hầu hết các hộ đều có lãi. Sau khi thu hoạch bớt, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 38 ha ốc hương đang nuôi sinh trưởng và phát triển bình thường.
Bên cạnh ốc hương, một số đối tượng nuôi mới cũng đạt được kết quả khả quan. Trước hết là cá bớp nuôi lồng bè tại vùng Mỹ Tân (xã Thanh Hải), vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam) cũng có tốc độ phát triển nhanh, sản lượng thu hoạch khoảng 36 tấn, có giá bán ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Hàu, cua, ghẹ được nuôi với diện tích khoảng 40 ha tập trung tại vùng đầm Nại (Ninh Hải) với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, đánh tỉa thả bù; qua thu hoạch cho sản lượng 22 tấn hàu và 6 tấn cua, ghẹ, cũng là đối tượng nuôi được quan tâm. Tại các xã Tân Hải, Phương Hải, Tri Hải và Hộ Hải (Ninh Hải), nhiều nông hộ tận dụng ao đìa không thích hợp nuôi tôm để thả nuôi cá mú với diện tích 4 ha, thu hoạch 7 tấn, với giá bán dao động từ 210.000 - 250.000 đồng/kg, hầu hết người nuôi đều có lãi. Ngoài ra còn có tôm hùm nuôi lồng bè tại các vùng Mỹ Tân, Mỹ Đông, Vĩnh Hy cho sản lượng thu hoạch khoảng 9,5 tấn...
Từ tình hình thực tế trong nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống và các đối tượng hải - đặc sản trong thời gian qua, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh. Theo anh Dư Ngọc Tuân, để ổn định vùng NTTS, giải pháp quan trọng là phải phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền địa phương, tích cực thông tin tuyên truyền định hướng người nuôi và hỗ trợ họ trong việc xử lý nguồn nước, cải tạo ao đìa, xét nghiệm con giống.
Bạch Thương