(NTO) Thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy, UBND huyện tập trung lãnh đạo củng cố và phát triển mô hình dịch vụ trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; đồng thời, tạo mọi điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán, đóng tàu mới, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ. Với định hướng phát triển đúng, lĩnh vực đánh bắt hải sản có chuyển biến tích cực, năng lực tàu thuyền và sản lượng đánh bắt năm sau cao hơn năm trước. Tính đến tháng 6-2017, toàn huyện có 845 tàu cá, với tổng công suất 73.266 CV; trong đó, tàu công suất 90 CV trở lên 245 chiếc hầu hết được lắp đặt thiết bị đánh bắt hiện đại và tạo thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày khai thác các ngư trường vùng khơi, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cảng cá Mỹ Tân được đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu dịch vụ nghề cá của ngư dân địa phương.
Ảnh: Văn Miên
Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản ở địa phương được khởi động từ lâu, bằng các chương trình hỗ trợ ngư dân lắp đặt máy dò ngang và triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ. Tuy vậy, các mô hình chỉ thực sự được nhân rộng kể từ khi thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, trên địa bàn có 5 tàu được triển khai đóng theo Nghị định 67 đang hoạt động có hiệu quả. Chủ tàu đầu tư thiết bị hiện đại như máy dò ngang cho phép mở rộng phạm vi dò từ 300 đến hơn 1.000m, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, nên hiệu quả khai thác tăng lên từ 200 - 280% so với sử dụng máy dò đứng trước đây. Từ hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào khai thác hải sản, các chủ tàu đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình với 6 tàu ban đầu lên 50 tàu hiện nay; trong đó, Thanh Hải: 5 tàu, Tri Hải: 25 tàu, Khánh Hải: 20 tàu. Không dừng lại đó, các chủ tàu cũng đã ứng dụng công nghệ cấp đông bằng hầm lạnh kéo dài thời gian bảo quản nhưng chất lượng hải sản vẫn không giảm, đáp ứng yêu cầu thu mua của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến hải sản. Đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản, nên sản lượng đánh bắt ở địa phương năm sau cao hơn năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện khai thác được 8.430 tấn hải sản, tăng 2.589 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có chuyển biến tích cực, để “mở đường” cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, huyện quy hoạch vùng nuôi 500 ha, tập trung chủ yếu quanh khu vực Đầm Nại, vùng nuôi tôm giống với 190 trại hàng năm sản xuất được khoảng 5 tỷ con post phục vụ các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Huyện ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến đảm bảo cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Để hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, huyện tăng cường xây dựng các mô hình trình diễn, hoàn thiện quy trình nuôi để chuyển giao cho nông dân. Tiêu biểu ở lĩnh vực này là huyện thực hiện thành công một số mô hình mới, đã khai thác được tiềm năng lợi thế vùng Đầm Nại, có tác dụng cải thiện môi trường mặt nước giảm thiểu ô nhiễm, hiệu quả kinh tế cao, thay thế dần phương pháp nuôi truyền thống với hạn chế là sử dụng nhiều tạp chất tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đơn cử, mô hình trồng rong nho được triển khai cách đây 5 năm kết quả cho thấy thích hợp với môi trường mặt nước ven Đầm Nại, giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng rong sụn. Anh Trần Hùng, tiên phong trong trồng rong nho, cho biết: Ban đầu tôi trồng thử nghiệm vài sào, đến nay phát triển rộng ra trên 5 ha. Với diện tích trên, tính ra mỗi năm cho thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng. Đáng quan tâm là, mô hình đang được nhân rộng, phát triển theo hướng bền vững nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng tạo điều kiện để hộ trồng tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhất là xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Không dừng lại đó, mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thí điểm ở xã Phương Hải vào năm 2015, có ưu điểm vượt trội, thu nhập cao hơn nuôi tôm sú thuần chủng, làm sạch môi trường ao đìa, khả năng nhân rộng cao.
Có thể nói, từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, Ninh Hải đã khai thác được tiềm năng, lợi thế biển. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình ứng dụng công nghệ cao, gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật biển, bảo đảm sự cân bằng tự nhiên để phát triển bền vững.
Anh Tùng