Đổi mới cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững

Một trong những giải pháp cốt lõi mang tính động lực là phải huy động sức mạnh tổng hợp và đổi mới cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh nhà để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững cho giai đoạn 2011-2015. Điều này đồng nghĩa với cơ hội và tương lai phát triển của tỉnh đang ở phía trước. Vấn đề đặt ra là để hiện thực hóa nó như thế nào? Mọi tiềm năng và lợi thế không thể tạo ra lực lượng vật chất để phát triển, ngược lại, mọi khó khăn, thách thức phải đối mặt không phải tự nhiên và dễ dàng có thể vượt qua. Với quyết tâm chính trị cao, chúng ta sẽ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững bằng nỗ lực từ nhiều phía; bằng nhiều giải pháp linh hoạt và “thông minh”. Song, một trong những giải pháp cốt lõi mang tính động lực là phải huy động sức mạnh tổng hợp và đổi mới cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh nhà để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Muốn vậy, cần tập trung thực hiện một số yêu cầu như sau:

Một là, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, thông qua quy hoạch làm rõ được tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, của từng ngành, địa phương và lĩnh vực, từ đó xác định chiến lược huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực đầu tư cho sản xuất- kinh doanh, bảo đảm cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Công tác quy hoạch phải được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ từ khâu lập, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các huyện, thành phố, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong giai đoạn mới.

Hai là, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của Trung ương, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm góp phần tạo sức hấp dẫn và khơi thông dòng chảy của luồng vốn đầu tư về tỉnh; khâu đột phá là đầu tư hạ tầng giao thông tạo kết nối với các công trình hạ tầng trọng yếu của các tỉnh trong vùng như sân bay, cảng biển để vừa tranh thủ được lợi thế của các tỉnh trong vùng, vừa rút ngắn thời gian, khai thác ngay các lợi thế so sánh của các tỉnh trong khu vực, tạo thành lợi thế của tỉnh nhà. Trước hết, đầu tư hoàn thành nhanh toàn tuyến đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná để khai thác tiềm năng về kinh tế biển và tạo quỹ đất hai bên tuyến đường cho đầu tư phát triển; đồng thời phải tập trung đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đoạn từ Sân bay Quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang, để vừa tận dụng lợi thế cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, cảng hàng hóa Ba Ngòi và cảng container Vân Phong (Khánh Hòa) phục vụ cho phát triển du lịch và xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Về hạ tầng thủy lợi, với đặc thù là vùng khô hạn nhất nước nên việc đầu tư cho thủy lợi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Định hướng trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục đầu tư hoàn thành 7 công trình hồ chứa, trong đó công trình trọng điểm là hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với quy mô gần 220 triệu m3 nước, nâng tỷ lệ chủ động tưới lên 60%, sẽ góp phần tăng diện tích cây trồng, tăng sản lượng và nâng cao năng suất cây trồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi; đồng thời phục vụ cho yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; đặc biệt, phục vụ cho việc xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ba là, giải pháp huy động vốn đầu tư được xem là một trong những giải pháp quyết định để phát triển kinh tế của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 16-18%/năm cho giai đoạn 2011-2015, thì nhu cầu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được huy động là rất lớn, khoảng 55-60 ngàn tỷ đồng, gấp từ 3 đến 4 lần giai đoạn 2006-2010. Quan điểm đầu tư phát triển giai đoạn này là thực hiện đúng định hướng phát triển của tỉnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đi liền với đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng nâng cao dần tỷ trọng vốn đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài, khoảng 36 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bốn là, tăng cường hợp tác liên tỉnh trong vùng, nhất là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của nhau để cùng phát triển. Đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các Tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu, có uy tín trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác toàn diện với các tập đoàn kinh tế đã ký kết để phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực được xác định là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và chiến lược lâu dài để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho yêu cầu phát triển của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án có quy mô trên lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, du lịch và khẩn trương chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để triển khai nhà máy điện hạt nhân số 1 vào năm 2014. Vì vậy, vấn đề phát triển nhanh nguồn nhân lực trở thành yêu cầu bức thiết của tỉnh, trước mắt là đưa Phân hiệu Đại học Nông Lâm đi vào hoạt động và tăng dần quy mô, mở rộng ngành đào tạo; xúc tiến nhanh thủ tục để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Điện lực tại tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân và các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai tại tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước có uy tín để thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh, tiến tới thành lập trường Đại học Ninh Thuận trong thời gian sắp tới.

Đồng thời, trong giai đoạn tới phải tập trung thực hiện tốt nhất công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn, tăng thu nhập, rút ngắn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Trước mắt phát huy hiệu quả hoạt động của trường Cao đẳng nghề tỉnh và các cơ sở dạy nghề các huyện, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường công tác xúc tiến, giới thiệu việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Sáu là, đổi mới cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, trước hết phải đổi mới nếp nghĩ về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của người cán bộ công chức; phải biết đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quê hương lên lợi ích riêng, không vụ lợi cá nhân ở bất kỳ tình huống nào; chúng ta phải biết lo, biết trăn trở, chia sẻ với cái khổ của người dân, của doanh nghiệp; không “lảnh cảm, thờ ơ” trước những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra từ phía người dân và doanh nghiệp, xem sự thất bại, thành công và phát triển của người dân, doanh nghiệp như chính bản thân mình. Khi quan hệ, giao dịch, giải quyết những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp phải trên tinh thần phục vụ và được phục vụ thấu tình, đạt lý chứ không phải “ban ơn hay hàm ơn”; biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân, doanh nghiệp không chỉ bằng khối óc mà bằng cả “trái tim”. Đây sẽ là trách nhiệm và phương châm hành động của mỗi cán bộ, công chức.

Bảy là, đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp và tập trung công tác cải cách hành chính một cách thực chất, phải thay đổi tư duy theo hướng đồng hành và thân thiện với doanh nghiệp, coi sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp là sự thành công và thất bại của mình. Đây là giải pháp quan trọng để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước hết, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Văn phòng phát triển kinh tế (EDO)và tập trung triển khai thực hiện tốt nhất Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2011-2015, mục tiêu là đến cuối năm 2011, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp trong nhóm 5-10 tỉnh đứng đầu của cả nước; thực hiện việc cắt giảm các thủ tục hành chính theo kết quả Đề án 30 của Chính phủ.

Tám là, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, trọng tâm là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận các tầng lớp nhân dân để tập trung triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Chung tay xây dựng Ninh Thuận Xanh và sạch”, thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Sức mạnh luôn tồn tại hiển hiện trong mỗi con người, mỗi tập thể, mỗi cộng đồng, ở từng cơ chế, chính sách, ở tiềm năng, lợi thế nếu chúng ta biết khai thác, huy động và kết nối lại sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn; đồng thời mỗi cán bộ, công chức, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước có cách nghĩ mới, cách làm mới, biết đột phá mạnh mẽ, tìm ra sự khác biệt để tạo ra giá trị mới; chú trọng đến kết quả, chất lượng, hiệu quả đầu ra của quá trình cống hiến và thực thi công vụ sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững cho giai đoạn 2011-2015 là điều hoàn toàn có thể.