Chương trình khởi đầu bằng việc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tổ chức điểm giới thiệu và bán mặt hàng thực phẩm an toàn vào cuối tháng 1-2016. Tại thời điểm mới mở đã thu hút được 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia với các mặt hàng như: Thịt bò, thịt heo đen, thịt dê, cừu, nho, tỏi… là nông sản đặc thù của tỉnh, đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý, thu hút đông đảo người mua. Được biểu dương là doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình chuỗi cung ứng thực phẩm sạch từ trang trại ra chợ, ông Nguyễn Xuân Đoài, chủ Cơ sở giết mổ dê, cừu Triệu Tín, đánh giá cao vai trò của cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, duy trì điểm bán thực phẩm sạch đã qua kiểm định phục vụ người tiêu dùng với số lượng ngày càng lớn. Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình, bên cạnh 12 doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu đang hoạt động có hiệu quả, đến nay có một số doanh nghiệp tự nguyện nhập cuộc, tiêu biểu như chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thịt heo sạch có truy xuất nguồn gốc của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam-Chi nhánh Ninh Thuận với 2 điểm bán trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Công nhân Trang trại Ba Mọi phân loại táo trước khi bán ra thị trường. Ảnh: V.M
Kết quả đạt được ban đầu của chương trình là đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn hạn chế như việc xây dựng chuỗi cung ứng dù đã được triển khai nhưng còn quá ít, do đó nhiều người chưa tiếp cận được các sản phẩm an toàn. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, chủ Cơ sở giết mổ bò Hồng Loan, cho hay: Doanh nghiệp luôn đề cao “chữ tín” trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên việc không thể kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất của nông dân là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Để duy trì và phát triển các điểm bán hàng thực phẩm sạch tạo niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp đề nghị ngành chức năng, các địa phương giám sát chặt chẽ các vùng sản xuất đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường; đồng thời, mong muốn kéo dài thời gian hỗ trợ về đầu tư nâng cấp khu sơ chế hàng nông sản, xây dựng các điểm bán lẻ, chứng nhận sản phẩm an toàn, sau khi tạo được thói quen cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tự cân đối duy trì hoạt động.
Sản xuất nho theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.
Liên quan đến vấn đến này, thời gian qua, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, vùng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản, nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thông qua Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất nho VietGAP bước đầu đem lại hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, mối liên kết này chưa có sức lan tỏa, thực phẩm an toàn do nông dân sản xuất, doanh nghiệp vẫn chưa thu mua hết. Đề cập đến “câu chuyện” làm thế nào để các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn phát huy hiệu quả, đảm bảo bền vững, đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho rằng: Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là công việc cần làm trong điều kiện doanh nhiệp đang gặp khó khăn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phân tích dư lượng các mẫu thực phẩm do chi phí khá lớn. Tuy nhiên, bản thân các cơ sở, doanh nghiệp cũng không nên vì thế mà “ỉ lại” vào Nhà nước, hơn ai hết chính họ nhìn nhận được muốn tồn tại, phát triển nhất thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng nông sản sạch ngày càng cao của người tiêu dùng. Mục đích tổ chức chương trình chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của ngành chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia thị trường, Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, về lâu dài, việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đòi hỏi các cơ sở, doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững.
Anh Tùng