Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân làm cho phần lớn dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tại các khu, CCN nói riêng chậm tiến độ so với cam kết, là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, mặt khác do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều nhà đầu tư dè dặt triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (DN) do năng lực tài chính hạn chế, đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của các ngân hàng. Một vấn đề nữa cũng không thể loại trừ, đó là nhiều nhà đầu tư đang thực hiện “kế sách giữ đất” để tìm đối tác sang lại dự án.
Cụm công nghiệp Tháp Chàm.
Trước tiên nhìn từ KCN Thành Hải. Tiếng là KCN “trụ cột”, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi từ CCN thành KCN từ năm 2015, có quy mô diện tích trên 77,987 ha, nhưng sau nhiều năm triển khai, đến nay KCN này cũng chỉ mới có 14 nhà đầu tư đăng ký thuê đất thực hiện dự án, với tổng diện tích 36,94 ha và tỷ lệ lấp đầy KCN chỉ mới đạt 59,35%. Điều đáng nói là trong số 14 DN đăng ký đầu tư vào KCN này, đến nay chỉ có 10 DN có dự án đang hoạt động. Trong đó, có một số dự án của các DN như: Nhà máy Sản xuất đá ốp lát Phan Rang (Công ty Cổ phần Địa chất khoáng sản Việt Nam), Nhà máy Chế biến nha đam (Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt), Nhà máy Chế biến hạt điều, sản xuất máy nông sản (Công ty TNHH Hoàng Bảo Tường)..., dù hoạt động đã khá lâu nhưng chưa có đóng góp gì vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong khi KCN Thành Hải như vậy, thì CCN Tháp Chàm cũng không mấy khả quan hơn. Với quy mô chưa đến 24 ha lại nằm ở vị thế không mấy “bắt mắt” nên đến nay CCN này cũng mới chỉ có 8 nhà đầu tư đăng ký thuê đất đầu tư dự án, trong đó hiện tại mới có 6 dự án thứ cấp đang hoạt động đó là: Nhà máy Chế biến nhân điều, ép dầu vỏ điều (Công ty TNHH Phú Thủy), Nhà máy Giống công trồng Đông Nam (Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam), Nhà máy Chế biến thủy hải sản khô (Công ty TNHH TM Hải Đông), Nhà máy Sản xuất bao bì Tân Định (Công ty Cổ phần In và bao bì Tân Định), Nhà máy Sản xuất sản phẩm EPS (Công ty TNHH MTV Hồ Dương) và Nhà máy May công nghiệp (Công ty TNHH Thời trang Hoa In). Số DN còn lại do năng lực tài chính yếu kém, nên việc đầu tư dự án không hoàn thành so với cam kết giữa nhà đầu tư với tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy CCN này đến nay cũng chỉ mới đạt 72,57%.
Bà Trương Thị Liễu, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Đến cuối tháng 6 năm 2017, tại các khu, CCN của tỉnh số DN đang hoạt động có đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh chỉ vỏn vẹn con số 9 DN, với tổng số tiền 274,443 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có Nhà máy Bia Sài Gòn–Ninh Thuận phát huy tốt năng lực sản xuất sau đầu tư, đóng góp vào ngân sách của tỉnh 243,600 tỷ đồng, những DN còn lại đóng góp vào ngân sách của tỉnh không đáng kể, chỉ khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Được biết, hiện nay, tỉnh ta đã được Bộ Công Thương chấp thuận cho đầu tư phát triển lên 9 CCN, với diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 364,66 ha. Để các khu, CCN phát triển đủ mạnh, tạo đà đưa ngành Công nghiệp phát triển, ngoài việc đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị các thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với 3 CCN: Tri Hải, Quảng Sơn và Hiếu Thiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành rà soát hiện trạng đất, để triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với các CCN chế biến thủy sản tập trung, CCN Titan và CCN Phước Tiến. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý các KCN phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Quy chế phối hợp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các khu, CCN. Cách làm này không chỉ giúp tỉnh xác định chính xác năng lực tài chính của các DN, qua đó chọn đúng nhà đầu tư có nhu cầu thực sự, tránh tình trạng nhà đầu tư lợi dụng chủ trương, chính sách ưu đãi của tỉnh để “thuê đất nhiều nhưng làm ít”, hoặc sử dụng sai mục đích.
Cùng với các giải pháp kể trên, UBND tỉnh còn giao Ban Quản lý các KCN tăng cường đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN đáp ứng điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án đúng tiến độ cam kết; quan tâm hơn nữa đến việc giám sát môi trường, đặc biệt trong tham mưu phê duyệt dự án cần ưu tiên các dự án có kỹ thuật, công nghệ cao, có tính khả thi, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Đối với các khu, CCN đã giao cho các DN, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu, nhắc nhở các nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ. Riêng KCN Phước Nam do thời gian điều chỉnh tiến độ đã 8 năm, nhưng đến nay giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thành theo cam kết, chậm tiến độ gần 18 tháng, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam–Ninh Thuận đến tháng 12-2017, nếu không đáp ứng được các yêu cầu đề ra thì UBND tỉnh sẽ lập thủ tục thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật, để kêu gọi đấu thầu chọn lại đối tác khác thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lấp đầy các khu, CCN đạt từ 70-80% theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016–2020 đã đề ra.
Văn Thanh