Sau khi thu mua lá mía, nông dân để lá mía hoai mục ngoài thời tiết tự nhiên khoảng 1 tháng. Chờ đến khi đất đã được cày ải kỹ và xuống giống, nông hộ tiếp tục dùng lá mía phủ lên lớp đất đã gieo kiệu. So với phương pháp dùng rơm phủ, dùng lá mía vừa rẻ, vừa giúp kiệu sinh trưởng tốt hơn.
Nông dân xã Lương Sơn xuống giống cây kiệu.
Trung bình nông dân khi phủ rơm lên kiệu, mỗi sào cần hơn 2,2 triệu đồng, còn với lá mía chỉ mất 1,4 triệu đồng, tiết kiệm 800 ngàn đồng/sào. Cùng với đó, thời gian mục nát của rơm rất nhanh từ 2-3 tháng trong khi chu kỳ sinh trưởng và cho thu hoạch kiệu mất 6 tháng nên trong khoảng thời gian còn lại, cỏ mọc nhiều trên luống kiệu, nông dân tốn thêm chi phí thuê 3-4 công lao động để nhổ cỏ trên từng sào kiệu nhưng nếu dùng kỹ thuật trên thì lá mía không hề mục nát, hạn chế tối đa tình trạng cỏ mọc, giúp nông dân tiết kiệm tiền thuê công. Đồng thời, mật độ che phủ của lá mía trên luống kiệu lớn hơn rơm rạ, nên dù có nhiều tác động xấu từ thiên nhiên, cây kiệu vẫn giữ đủ độ ẩm để phát triển bình thường.
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng hơn 3 ha kiệu tại xã Lương Sơn, phấn khởi chia sẻ: Mặc dù trồng kiệu đã hơn 3 năm nhưng gia đình tôi chỉ vừa áp dụng kỹ thuật trên được một năm và đem lại kết quả hơn mong đợi. Cây kiệu không còn tình trạng cỏ dại, bệnh nấm mốc trên thân củ cũng không còn xuất hiện như khi phủ bằng rơm rạ, nhờ đó thân cây kiệu luôn xanh mướt, khi thu hoạch củ kiệu to tròn và đều tép, năng suất trung bình 1,4 tấn/sào, cao hơn 500 kg/sào khi sử dụng rơm phủ thông thường.
Với việc áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất đã giúp cây kiệu tại Ninh Sơn tăng cả về giá trị sản lượng cũng như chất lượng, cạnh tranh tốt với các thị trường kiệu lâu năm và có tiếng như kiệu Khánh Hòa, Bình Định. Đây được xem như là mô hình mới, hiệu quả, giúp nông dân huyện Ninh Sơn thu lại được nguồn lợi tối đa để phát triển kinh tế gia đình.
Lê Thi