Đẩy mạnh hình thành và phát huy hiệu quả mô hình liên kết “5 nhà”; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương đã có những động thái tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hợp tác làm ăn, tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh và các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chế biến, tiêu thụ nông sản với khối lượng ngày càng tăng. Điển hình như Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Doanh nghiệp tư nhân Ba Mọi, Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, 12 liên minh sản xuất nông nghiệp liên kết với 7 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Một số mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh bước đầu được chú trọng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của phía thu mua, từ đó đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích.
Liên kết trong chăn nuôi gia súc đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định.
Tuy vậy, tình hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thời gian qua chỉ phổ biến ở dạng “mua - bán” với từng loại mặt hàng (lúa, bắp thương phẩm, táo, nho ăn tươi, dê, cừu, tôm), những hình thức liên kết gắn với đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, gia công còn ít. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngoài nông sản chủ lực đã được quy hoạch vùng nguyên liệu như mía đường, mì, tôm giống, tôm thịt, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ một phần chi phí đầu vào, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ 100% sản phẩm, còn lại hàng ngàn nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đang phải chật vật tự tìm đầu ra trong bối cảnh thị trường nông sản có nhiều biến động. Một khó khăn nữa cho nông dân là, việc liên kết gắn với bảo quản, sơ chế do thương thảo giữa người mua và người bán chiếm tỷ lệ không đáng kể, điều này dẫn đến tình trạng nông dân thiệt thòi phải bán sản phẩm thô theo giá ấn định của thương lái. Trong khi đó, hình thức liên kết người có đất tham gia cổ phần doanh nghiệp đưa đến lợi ích lâu dài, bền vững cho nông dân lại chưa thực hiện được.
Để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã khuyến khích liên kết theo hợp đồng quan hệ mua bán chính thức được thiết lập giữa các bên với nhiều hình thức, như: Hợp đồng từ đầu vụ, hợp đồng bao tiêu, hợp đồng mua bán theo từng thời điểm, hợp đồng nguyên tắc… Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ liên kết dưới các hình thức trên chưa bền vững, do biện pháp chế tài không đủ mạnh, một số chính sách chậm cụ thể hóa, nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như người sản xuất. Hạn chế này khiến cả người mua và người bán chuyển sang hình thức thỏa thuận miệng là chủ yếu, với ưu điểm nhanh, ít rườm rà, nhưng lại thiếu an toàn do không có tính pháp lý, khi thị trường biến động các bên dễ “lật kèo”.
Thực tế liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX còn lỏng lẻo, chưa đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của các bên đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục để sản xuất nông nghiệp hướng đến bền vững. Đồng chí Phan Quang Thựu, cho rằng: Thực tế đang đòi hỏi phải đa dạng hóa hình thức liên kết, bên cạnh thực hiện liên kết thông qua hợp đồng từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, thì cần phát triển thêm hình thức liên kết ngang giữa nông dân với nông dân, hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa. Còn để tạo bền vững mối liên kết, giải pháp đưa ra là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Đối với chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước, không gì hơn là phải tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung cam kết trong hợp đồng. Quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khai thác tiềm năng lợi thế sản phẩm đặc thù của tỉnh; giám sát các nội dung của hợp đồng đã ký kết cũng là nhiệm vụ quan trọng. Riêng phía doanh nghiệp, có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm đúng đơn đặt hàng, tạo uy tín cao đối với nông dân; phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn hộ sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật và chất lượng hàng hóa.
Có thể nói, hoạt động liên kết đang có dấu hiệu đáng mừng hướng đến bền vững đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; trong đó, nổi bật là chính sách xây dựng cánh đồng lớn được xem là giải pháp hữu hiệu hứa hẹn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết một cách sâu rộng.
Anh Tùng