NHÌN LẠI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017:

Sôi động thị trường trong tỉnh

(NTO) Có thể nói, 6 tháng đầu năm nay thị trường trong tỉnh khá sôi động cả trên lĩnh vực thương mại lẫn dịch vụ, góp phần tạo nên sự khởi sắc chung của kinh tế tỉnh nhà.

Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 8.189,8 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nếu xét theo ngành kinh tế thì thương nghiệp vẫn đứng đầu, đạt trên 6.431,4 tỷ đồng, tăng 12,8%; kế đến khách sạn-nhà hàng đạt gần 1.1340 tỷ đồng, tăng 13%; dịch vụ đạt 621,9 tỷ đồng, tăng 11,1%...

Hang Rái (Ninh Hải) là một trong những thắng cảnh thu hút nhiều du khách,
góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Ảnh: Mai Dũng

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, kết quả trên cho thấy hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng qua phát triển tương đối mạnh, trong đó khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá do nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí, mua sắm và dịch vụ tiêu dùng của người dân trong tỉnh và du khách lịch tăng lên, nhất là trong các ngày tết, ngày lễ, có thời điểm lượng du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng cao đến mức gần như “quá tải” tại một số điểm du lịch. 

Đặc biệt là du khách đến tham quan du lịch biển tại huyện Ninh Hải đã tăng đáng kể so với những năm trước, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú của tỉnh “ăn nên làm ra”, góp phần làm tăng doanh thu hoạt động khách sạn-nhà hàng và dịch vụ so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4830/KH-UBND ngày 30-11-2016 về việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu như gạo, nếp, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau, củ, quả… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Mặt khác, chỉ đạo tăng cường quản lý thị trường; kiểm tra, kiểm soát buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; các vi phạm về giá, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết hợp chương trình bình ổn giá với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, khuyến khích người tiêu dùng địa phương tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm thiết thực như tăng diện tích trưng bày và số lượng hàng Việt Nam trên các quầy kệ, ưu tiên trưng bày tại những điểm bắt mắt người tiêu dùng. Ngành Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức 44 chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mở 9 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh. Tại các chợ, cửa hàng, siêu thị... hàng hóa được bày bán đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình bốc thăm, quà tặng, phiếu mua hàng, chiết khấu cho khách hàng… cũng thu hút phần lớn người mua, làm doanh thu hoạt động thương mại tăng lên.

Nhiều mặt hàng Việt được bày bán tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà
được người tiêu dùng lựa chọn.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả tương đối ổn định, hàng hoá được lưu thông thông suốt, mặc dù một số mặt hàng may mặc, trái cây, thực phẩm,… tăng nhẹ, song không có sự tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tự ý nâng giá… đã làm cho người tiêu dùng yên tâm mua sắm hàng hóa phù hợp với thu nhập và đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống. Đây cũng là cơ sở để thị trường trong tỉnh tiếp tục có những phát triển mới, sôi động hơn trong những tháng cuối năm.