Làm sao thi tốt môn Lịch sử?

Môn lịch sử vốn có quá nhiều nội dung, sự kiện khó nhớ. Bởi vậy, làm thế nào để ôn tập và làm tốt bài thi môn lịch sử là câu hỏi đặt ra cho nhiều học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ.

Để trả lời câu hỏi này, xin hướng dẫn cho các bạn học sinh vài kinh nghiệm nhỏ:

- Khi ôn thi: Trước tiên cần bám sát chuẩn kiến thức và sách giáo khoa bởi vì đây là hai tài liệu cơ bản nhất. Bên cạnh đó cũng cần tham khảo thêm các sách khác.

Tiếp đó là không nên học tủ mà phải học lần lượt theo từng vấn đề. Để ôn tập có hiệu quả, phải xem nội dung từng chương gồm những bài nào, trong bài đề cập vấn đề gì, những vấn đề đó bao gồm những sự kiện nào... 

Cũng cần học thuộc những vấn đề, nhưng nếu học thuộc lòng từng câu từng chữ thì không bao giờ có thể nhớ hết được. Chỉ những vấn đề sau đây mới cần học thuộc lòng, như: Chủ trương của Đảng, ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện... Để dễ thuộc thì nên chia ra thành từng vấn đề nhỏ, từng câu, ý.

Trong quá trình ôn tập, nên học theo các dạng bài sẽ dễ nhớ, dễ hiểu. Thông thường lịch sử có các dạng bài sau: Dạng bài các cuộc cách mạng, các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch (chú ý đến logic của dạng bài này, gồm: Hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử); dạng bài các hội nghị, các đại hội; dạng bài lịch sử một nước (cần học theo những vấn đề như: tình hình chính trị, kinh tế, xã hội...).

- Khi làm bài: Tuy học thuộc bài nhưng không ít học sinh trong các kỳ thi vẫn không đạt điểm cao, thậm chí bị trượt, chính là do thiếu phương pháp làm bài. Vậy để có một phương pháp làm bài hiệu quả, cần nắm vững những bí quyết sau:

Cần đọc và hiểu đề thi. Trong thực tế nhiều học sinh đọc đề thi qua loa đại khái, vội vã làm ngay dẫn đến tình trạng xa đề, lạc đề, không tập trung vào trọng tâm mà đề yêu cầu.

Vạch đề cương sơ lược trên giấy nháp. Việc này không những giúp cho các thí sinh không bị mất ý lớn, bỏ sót điều quan trọng mà còn tạo ra trật tự, trình tự trình bày mạch lạc. Đặc thù của môn sử không quá chú trọng phần nhập đề, mở đề như môn văn mà phải xoáy sâu vào thân bài, nội dung. Ăn điểm hay không là nằm ở phần này.Phân phối thời gian làm bài hợp lý cho từng câu hỏi cũng là yếu tố quan trọng trong suốt quá trình làm bài thi. Thí sinh nên lấy thời gian chia cho thang điểm. Chú ý những câu hỏi có số điểm cao, không nhất thiết phải làm theo cấu trúc của đề thi mà câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Cần dành ít phút để kiểm tra lại bài làm, chỉnh sửa câu cú, chính tả...

 

Trình bày bài thi cũng là một khâu rất quan trọng vì giá trị của một bài thi không những thể hiện ở phần nội dung mà còn ở phương pháp trình bày. Trong thực tế có rất nhiều bài thi trình bày đầy đủ nhưng kết quả không cao vì viết tắt quá nhiều, lỗi chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man. Chưa kể chữ viết quá xấu sẽ làm mất hứng thú, cảm tình đối với người chấm bài.