Ngày xuân bàn chuyện chọn nghề

Giữa những ngày xuân, bên rất nhiều câu chuyện đầu năm xin hãy dành đôi phút cho “nguyện vọng chọn nghề” của các bạn trẻ.

Thường kỳ, cứ vào khoảng đầu năm dương lịch tức là vào dịp Tết Nguyên đán là các em học sinh cuối bậc THPT sôi nổi bàn chuyện đăng ký thi đại học. Ấy là một câu chuyện tưởng rất cũ nhưng bao giờ cũng gây cho các em và cả các bậc phụ huynh nhiều bối rối.

Giữa những ngày xuân, bên rất nhiều câu chuyện đầu năm xin hãy dành đôi phút cho “nguyện vọng chọn nghề” của các bạn trẻ.

Từ thực tế lựa chọn nghề của bạn trẻ

Chọn ngành hay chọn trường? Đấy không chỉ là câu hỏi đặt ra cho các em mà đúng hơn là lời tự vấn của chính các em. Đành rằng không phải ai sau 12 năm đèn sách cũng đều nhận thức hết về thiên hướng và năng lực của mình. Đã có nhiều người thành đạt và nổi tiếng không phải ở lần chọn nghề đầu tiên mà sau một hai lần rẽ ngoặt. Tuy nhiên việc xác định sẽ chọn một ngành học hay một trường đại học có ý nghĩa rất quyết định đối với các em. Thông thường có hai xu hướng chính: hướng thứ nhất là chọn ngành (tức nghề), còn hướng còn lại sẽ chọn trường.

 
Giờ thực hành tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Nhóm chọn ngành bao gồm những học sinh đã có định hướng rõ ràng cho mình một nghề nghiệp trong tương lai. Thường các em này bản thân đã biết yêu thích một nghề nào đó hoặc đã có sự tư vấn rõ ràng và kỹ lưỡng trước đó. Nhóm này khá kiên định với nguyện vọng mà mình đã chọn. Khi được học ở ngành yêu thích thì hầu hết các em đều có kết quả khá, tốt trong học tập và nghiên cứu ở trường đại học, cao đẳng và sẽ cống hiến nhiều cho xã hội sau khi ra trường.

Nhóm thứ hai là chọn trường. Thực ra với một phần lớn các em vẫn chọn ngành học nhưng nhất định là phải học ngành đó ở một trường nào đó, còn nếu cũng ngành đó ở trường khác thì các em từ chối. Đây là những học sinh có học lực khá tốt, tự tin vào sức học của mình và dĩ nhiên là các em chọn thi vào những trường “top trên” và thường các em đạt được kết quả thi mỹ mãn. Cũng nằm trong nhóm này, một số không ít học sinh chưa hẳn có học lực khá, tốt nhưng cũng chọn những trường đại học “lớn” để đăng ký cho oai với bạn bè, gia đình rồi ra sao thì ra. Những trường hợp này rơi vào những em thiếu kiên định, không lượng được sức mình và cũng một phần do công tác hướng nghiệp của nhà trường và gia đình chưa thực sâu sát. Một nguyên nhân khác nữa từ phía gia đình là có nhiều bậc phụ huynh vì “sĩ diện” mà bắt buộc các em thi vào những trường đại học danh tiếng mặc dù các em không đồng ý. Vì thế, kết quả thi cử của các em thường không mấy khả quan.

…Đến gợi ý tham khảo

Dù muốn hay không các em học sinh và cả các bậc phụ huynh vẫn phải chịu tác động từ nhiều phía trong lần đăng ký nguyện vọng thi cử. Nguyên nhân có thể “điểm danh” những tác nhân đó như sau: trước tiên là sức học của các em, mức độ yêu thích một ngành nghề, nhu cầu lao động của xã hội ở từng thời điểm, định kiến của xã hội đối với từng loại ngành nghề, công tác hướng nghiệp…

Vậy thì, để giúp các em và gia đình bớt phân vân và áp lực khi đăng ký thi đại học, cao đẳng thì cần có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Trước hết cần xác định học sinh là người quyết định cho việc chọn nghề cho mình mà không phải ai khác. Cha mẹ, thầy cô, người thân và bạn bè chỉ đưa ra ý kiến tham khảo, tham vấn chứ không có vai trò quyết định. Các em phải tự đặt ra nhiều câu hỏi sau khi đã tham khảo ở rất nhiều thông tin đáng tin cậy: Vì sao mình chọn ngành (trường) đó? Mình có thực sự yêu thích ngành nghề đó chưa hay chọn vì “phong trào”, vì “làm sang”…? Liệu mình có vượt qua được những thử thách khi vào học ngành (trường) đó và sau này khi đã đi làm?...

Nếu thực sự các em chọn ngành, chọn trường đúng với sở thích và năng lực học tập của mình thì chắc chắn sẽ đạt được ý muốn như nguyện vọng của mình.

Hiện nay quan niệm của xã hội về địa vị nghề nghiệp khá “khắt khe” và xa thực tế. Hầu như gia đình nào cũng muốn con em mình vào được ngưỡng cửa đại học hay ít ra là cao đẳng mà trường càng “lớn” càng “sang” thì càng oai. Trong khi không ít các em có học lực trung bình nhưng lại từ chối những trường lẽ ra là phù hợp với năng lực của mình. Vì thế mà các em phải cạy cục thi đi, thi lại cố kiếm cho được mảnh bằng đại học. Một thực trạng bất cập ở nước ta hiện nay là thừa thầy thiếu thợ, điều đó cũng một phần từ nguyên nhân khi các bạn trẻ cầm tấm bằng trung cấp, học nghề đi xin việc các cơ quan, doanh nghiệp không mặn mà.

Thêm một điều tế nhị cũng nên nhắc đến là hiện nay “bệnh sĩ” của các bạn trẻ còn ảnh hưởng khá nặng trong tư duy và ứng xử. Hiện nay, ở tỉnh ta nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng nếu khảo sát tỉ lệ chọn vào các ngành nông, ngư nghiệp của học sinh rất thấp; ngược lại các nhóm ngành kinh tế tài chính và công nghệ thông tin vẫn là những lựa chọn ưu tiên của các bạn trẻ. Các bạn trẻ cần có suy nghĩ rằng trong xã hội không có nghề nào sang, nghề nào hèn mà chỉ đánh giá mức độ đóng góp của nó cho xã hội nhiều hay ít mà thôi.

Vậy, các em học sinh cuối cấp phổ thông hãy chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng và suy nghĩ chín chắn khi đặt bút viết vào hồ sơ dự thi đại học, một lựa chọn có tính quyết định cho tương lai.