Tiếng Anh được sử dụng ở nước ta từ khoảng nửa thế kỷ nay, phát triển từ những năm 1990 và trở thành ngoại ngữ bắt buộc trong nền giáo dục Việt Nam. Ðặc biệt, từ năm học 2010-2011, môn tiếng Anh còn được tổ chức dạy thí điểm ở lớp 3 cho thấy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, do quy trình giảng dạy còn lạc hậu về phương pháp, nhất là hệ thống sách giáo khoa, giáo trình và sách tham khảo còn hạn chế cho nên hiệu quả công tác dạy và học tiếng Anh ở nước ta chưa cao.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục, chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc học phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra cho môn học. Trình độ và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của phần lớn giáo viên dạy tiếng Anh cũng như học sinh các trường phổ thông hạn chế cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ðáng chú ý, tiếng Anh ở bậc tiểu học từ trước đến nay chỉ là tự nguyện. Ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) coi đó là môn học tự chọn, trường nào có điều kiện thì học. Do đó, dạy và học tiếng Anh ở cấp tiểu học chưa có chính sách cụ thể như: chưa có mã ngành đào tạo, chưa có cơ chế tuyển dụng và chế độ đãi ngộ giáo viên tiểu học... Vì vậy, khi môn tiếng Anh được dạy thí điểm ở lớp 3 và dần trở thành môn học bắt buộc cho bậc tiểu học thì cần có một chương trình hiện đại, khoa học. Nhất là, cần xây dựng hệ thống sách tiếng Anh tiểu học theo phương pháp mới, đồng thời đào tạo giáo viên chính quy, huấn luyện giáo viên hiện đang dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học một cách đúng hướng. Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng gần như bùng nổ tự do về sách, nhất là các loại sách tham khảo, thị trường tràn lan sách nước ngoài. Nhiều trường học trong quá trình dạy tiếng Anh sử dụng sách nước ngoài mà không có sự đánh giá, xem xét kỹ càng. Chưa nhiều cơ sở giáo dục quan tâm đến việc sử dụng các tiêu chí đánh giá xem những bộ sách ấy có phải phục vụ cho môi trường giáo dục Việt Nam, biên soạn trên cơ sở đặc thù ngôn ngữ, đặc thù của môi trường dạy tiếng ở nước ta đã tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Một điều đáng nói nữa là sách tham khảo, sách bổ trợ, sách nâng cao, sách hướng dẫn, sách bài tập, sách luyện thi nhiều chương trình khác nhau khiến cho các giáo viên giảng dạy cũng khó chọn lựa những bộ sách chuẩn mực phục vụ tốt cho việc dạy và học ở nhà trường.
Quy trình giáo dục có chất lượng cần có ba yếu tố: giáo viên, tài liệu học tập (sách giáo khoa, sách tham khảo...), điều kiện dạy và học. Một bộ sách phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập hiện đại cần xuất phát từ những đặc thù của đối tượng học khác nhau như: học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT..., từ đó những người viết sách đưa ra một cấu trúc cho toàn cuốn sách trên cơ sở nhất định về ngữ liệu và chủ đề cũng như chức năng ngôn ngữ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong xây dựng hệ thống tài liệu dạy ngoại ngữ hiện nay, một số bộ sách biên soạn trong nước cũng từng bước chú ý đến tổ chức ngữ liệu và xác định hàm ý giáo học pháp, sau đó là tổ chức một bài học nhằm xây dựng năng lực giao tiếp cho trẻ thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Tại bộ sách Everyday English for kids, hệ thống giáo trình UES ENGLISH BOOKS dùng cho học sinh tiểu học được thực hiện trên cơ sở phân chia dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học ở hai bậc. Bậc trẻ sáu tuổi và bảy tuổi chủ yếu chú trọng cho trẻ chơi với tiếng Anh (như: đóng kịch, hát, trò chơi, tô màu) nhằm làm cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh, mà không cảm thấy mình đang học; tiếng Anh thấm vào trẻ một cách tự nhiên. Bậc bảy đến 12 tuổi thì học sinh sẽ học tiếng Anh một cách có hệ thống dựa trên phương pháp giao tiếp, theo xu hướng hiện đại: chuẩn bị-dẫn dắt-củng cố và kiểm tra... đã tận dụng được các loại hình học tập mà trẻ ưa thích nhằm làm cho trẻ cảm thụ tiếng Anh một cách tự nhiên, thoải mái, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Có thể nói, để thực hiện tốt dạy và học môn tiếng Anh, việc sử dụng các bộ sách cần có sự nhìn nhận đúng đắn, tránh tình trạng nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, thiếu khuyến khích tính sáng tạo của người học. Tài liệu cho học tập môn tiếng Anh cần bảo đảm tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực, đáp ứng xu thế phát triển của đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Cần thực hiện các chương trình đổi mới về dạy học các môn học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là chương trình nâng cao hiệu quả dạy, học và sử dụng tiếng Anh nhằm bảo đảm học sinh được học liên tục một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh từ lớp 3 cho tới giáo dục nghề nghiệp, đại học và đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực cá nhân của người học, phù hợp với điều kiện học tập của mỗi học sinh.
(Nguồn Nhân Dân Online)