Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lin Đan Ninh Thuận, cho biết: Công ty đang liên kết với nông dân xã An Hải trồng 20 ha MTX; đồng thời, thu mua sản phẩm của các hộ trồng trên toàn tỉnh nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của khách hàng. Gần đây, “bạn hàng” ngoài tỉnh đặt vấn đề ký hợp đồng mua MTX sạch lâu dài, khối lượng ổn định, nhưng qua khảo sát tình hình sản xuất thực tế thì muốn đáp ứng yêu cầu của đối tác, công ty và nông dân phải tiếp cận được công nghệ trồng chất lượng cao.
Cây măng tây xanh giống mới Atticus F1 được gieo ươm tại HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (An Hải, Ninh Phước).
Ảnh: Sơn Ngọc
MTX là loại rau giàu chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ Châu Âu, thích hợp với khí hậu và thỗ nhưỡng ở tỉnh ta, giá trị kinh tế cao, nên nông dân ưa trồng. Hộ trồng MTX có thể thu lãi từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây khác cùng canh tác trên diện tích. Từ ưu thế vượt trội, nên MTX được chọn là một trong những loại cây trồng đặc thù của tỉnh, cần ưu tiên phát triển. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, gần đây nhiều hộ trồng MTX đã đầu tư áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở hình thức tưới phun mưa, còn hàng loạt quy trình công nghệ sản xuất theo quy trình khép kín vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, nên sản xuất thiếu bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện Đề tài Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây MTX theo hướng công nghệ cao, triển khai từ đầu quý II năm nay đến cuối năm 2019. Đề tài hướng trọng tâm vào nghiên cứu, chọn tạo 1 - 2 giống MTX nhập nội có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với giống nội địa, phẩm chất tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái ở tỉnh ta. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Hạn chế lớn nhất của nghề trồng MTX hiện nay là chưa chủ động được giống. Hạt giống bà con đang sử dụng chủ yếu nhập từ Hà Lan, giá rất cao (trồng 1 ha hết khoảng 600 triệu đồng), nên nhiều hộ không đủ kinh phí để phát triển sản xuất. Đề tài mở ra kỳ vọng giải quyết khó khăn về khan hiếm hạt giống, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng thu nhập, giúp nông dân làm giàu trên chính đồng đất của mình.
Một nội dung đáng quan tâm nữa của đề tài là nghiên cứu công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ sinh học chuyên dùng cho MTX. Ưu điểm của phân bón dạng lỏng này là dễ hòa tan trong nước, sử dụng hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt bón cho cây trồng không bị tắc nghẽn. Với công nghệ bón phân hiện đại tránh được hao hụt, giảm công lao động, cây trồng hấp thụ dinh dưỡng nhanh, năng suất tăng từ 7-10% so với quy trình bón phân thông thường.
Có thể nói, nội dung của đề tài Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật thâm canh MTX theo hướng công nghệ cao bao hàm đầy đủ quy trình canh tác tiên tiến bậc nhất hiện nay. Trong đó, nghiên cứu công nghệ kéo dài thời gian bảo quản từ 25-30 ngày vẫn đảm bảo chất lượng MTX tươi, tạo thuận lợi cho vận chuyển sản phẩm tiêu thụ ngoài tỉnh, xuất khẩu và không bị hao hụt khối lượng là giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
Anh Tùng