Người dân thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam), ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao,
để giảm thiệt hại dịch bệnh, tăng năng suất và sản lượng tôm nuôi.
Theo anh Trương Kim Thảo, Trưởng trạm Kiểm dịch Thuỷ sản An Hải: Đây là vụ nuôi chính (từ tháng 2 đến tháng 8 Âm lịch) nên bà con đã tập trung làm sạch ao nuôi và thả tôm post. Trên cơ sở số liệu quản lý, tính đến đầu tháng 5-2017, đã có 150ha ao nuôi tôm được thả (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), tập trung ở Ninh Phước, Thuận Nam, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Cũng thời điểm này, nắng nóng kéo dài, đã xuất hiện các bệnh ở tôm nuôi như: đốm trắng, hoại tử gan-tụy cấp... gây thiệt hại khoảng 5,2 ha. Vì vậy, Trạm đang khuyến cáo bà con thả mật độ thưa (từ 80-100 con/m2); nâng mức nước cho ao mát từ 1,5m-1,8m, giảm tỷ lệ cho ăn trong ngày nóng; tăng sức đề kháng cho tôm bằng các vitamin và khoáng chất; tăng cường quản lý chất lượng môi trường nước ao nuôi... đó là cách để phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ thất thoát cho người nuôi tôm.
Thạc sĩ Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để khống chế dịch bệnh lây lan rộng, Chi cục đã chỉ đạo các trạm ở huyện tăng cường bám sát cơ sở để nắm tình hình, điều tra ổ dịch, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh và ngay từ đầu vụ nuôi, đơn vị đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịnh bệnh động vật các địa phương, liên quan dùng 2.367 kg hóa chất Chlorine để xử lý tiêu độc khử trùng kênh mương, những nơi tù đọng có khả năng gây ô nhiễm. Đối với các ao nuôi bị bệnh xác định là các ổ dịch có khả năng lây lan, đơn vị đã phối hợp địa phương sử dụng 1.600 kg Chlorine/16 hộ nuôi/8,37 ha ao nuôi bị bệnh để tiêu diệt ổ dịch, khử trùng ao nuôi, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường ao nuôi, quản lý môi trường và chăm sóc sức khỏe tôm nuôi tốt, điều chỉnh các yếu tố môi trường trong các giới hạn cho phép để tăng sức khỏe vật nuôi, hạn chế dịch bệnh. Nên dùng các biện pháp sinh học (vi sinh) thay cho hóa chất, kháng sinh; chỉ dùng kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và khi thật cần thiết; khi dùng kháng sinh cần lưu ý đúng liều dùng, đủ thời gian sử dụng và dừng thuốc 15 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp ngoài ý muốn xảy ra bệnh, cần báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông qua các Trạm huyện (hoặc UBND các xã) để được hướng dẫn các biện pháp điều trị hoặc hỗ trợ tiêu hủy ổ dịch bệnh theo quy định, tránh lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.
Phan Hiếu