Nông dân thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước)
áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Miên
Điểm đáng chú ý của HTX KD-DV Hữu Đức (xã Phước Hữu) là tìm được hướng đi riêng, xây dựng CĐL trong “chuỗi giá trị gạo sạch”. Hình thức tổ chức sản xuất mới với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đã nâng cao thu nhập cho thành viên, giá trị đơn vị diện tích tăng thêm 3-4 triệu đồng/ha/vụ có tác động tích cực trong việc thu hút nhiều hộ tự nguyện tham gia, diện tích canh tác do đó ngày càng được mở rộng. Theo báo cáo, mô hình “Vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch” ở HTX Hữu Đức bắt đầu triển khai thí điểm ở vụ đông-xuân 2013-2014 từ 4 ha ban đầu, đến nay tăng lên 50 ha. Nói về bí quyết dẫn đến thành công, ông Thuận Văn Tài, Giám đốc HTX cho hay: Hạn chế lớn nhất của HTX kiểu cũ là “lúng túng” trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, không đủ sức vươn ra “biển lớn”. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, vai trò của Hội đồng quản trị (HĐQT) được khẳng định, có nhiều sáng kiến trong phát triển kinh tế tập thể. Chuyển biến tích cực nhất của HTX kiểu mới là đề ra được chiến lược sản xuất, kinh doanh đáp ứng đòi hỏi hội nhập quốc tế ở lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, HTX kiểu cũ chủ yếu làm dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân sản xuất nhỏ lẻ, nhưng hiện nay tư duy xưa cũ đã được thay đổi, năng lực HĐQT được nâng lên, chủ động nắm bắt thời cơ để phát triển. Điều này được thể hiện ở chỗ, năm 2013, khi có chủ trương phát triển “Vùng nguyên liệu gạo sạch” của huyện Ninh Phước, HTX mạnh dạn đăng ký, liên kết với Công ty TNHH Jimmy Hung Anh Food triển khai thực hiện. Ưu điểm của mô hình là sản phẩm làm ra được công ty thu mua, đem ra ngoài tỉnh tiêu thụ, góp phần vào phát triển thương hiệu gạo Ninh Thuận...
Nông dân Phước Hậu chăm sóc lúa đông- xuân.Ảnh: Sơn Ngọc
Mặc dù mới thành lập 2 năm, nhưng HTX KD-DV Phước Hậu cũng đã tích cực tham gia xây dựng CĐL nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới xã Phước Hậu được UBND tỉnh cấp bằng công nhận vào đầu năm nay. Ông Quảng Đại Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết: Giải pháp thực hiện CĐL của HTX là tập trung kiện toàn HĐQT, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, mở rộng dịch vụ, đầu tư vốn cho thành viên phát triển sản xuất. Đến nay, HTX đã hội đủ các yếu tố để thực hiện CĐL sản xuất vùng nguyên liệu lúa giống chất lượng cao. Vụ hè-thu 2017, HTX khởi động điểm CĐL diện tích 56 ha, với 103 thành viên tham gia và tiếp tục duy trì ở các mùa vụ tới. Từ việc HĐQT tích cực đăng ký xin nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện Ninh Phước đã giới thiệu doanh nghiệp liên kết với HTX hướng dẫn kỹ thuật canh tác, ký kết hợp đồng cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, tạo được niềm tin cho các thành viên an tâm tham gia chương trình.
Có thể nói, hoạt động HTX kiểu mới có sự tham gia của các thành viên và doanh nghiệp cùng nhau thực hiện CĐL, sản xuất lúa chất lượng cao là xu thế tất yếu hiện nay, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng. Những CĐL áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tiết kiệm được nhiều chi phí, chất lượng lúa tốt nên được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Thành viên HTX tham gia CĐL được hưởng lợi các khâu dịch vụ, còn doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu quản lý theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đây chính là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, thiết nghĩ các HTX kiểu mới trên toàn tỉnh cần sớm vào cuộc thực hiện .
Anh Tùng