Trước đây, tại đồng Đá Bàn thuộc thôn Kà Rôm chủ yếu là trồng lúa 2 vụ/năm, năng suất bình quân 4-5 tạ/sào. Vì năng suất thấp, giá lúa lại bấp bênh nên thu nhập của nông dân không ổn định. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nông Hưng Phát, tỉnh Bình Thuận triển khai cho bà con chuyển đổi sang trồng đậu xanh. Theo đó, nông dân được hỗ trợ 100% giống, sau khi thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm. Bước đầu, trong xã có 54 nông hộ tham gia mô hình, với tổng diện tích 25 ha. Trước khi sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND xã mở lớp tập huấn cho các nông hộ về kỹ thuật chăm sóc. Nhờ làm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, nên diện tích trồng đậu xanh của các nông hộ phát triển khá tốt.
Bà con thôn Kà Rôm thu hoạch đậu xanh.
Đến nay, nông dân đã thu hoạch đạt năng suất 1,2-1,3 tạ/sào, với giá bán từ 25.000-27.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con thu lãi từ 2-2,5 triệu đồng/sào, cao hơn từ 500.000-1.000.000 đồng/sào so với trồng lúa. Chị Pupur Thị Ngơ - một nông hộ tham gia mô hình cho biết: Gia đình chuyển đổi từ 5 sào lúa sang trồng đậu xanh, hiện đang trong thời gian thu hoạch, tuy chăm sóc vất vả hơn nhưng có doanh nghiệp tiêu thụ với giá 25.000 đồng/kg nên rất yên tâm. Thu hoạch lứa đầu xong, dẫn nước tưới, 1 tháng sau có thể hái tiếp.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà đậu xanh mang lại, trong vụ hè-thu này, UBND xã tiếp tục vận động bà con tham gia chuyển đổi, tập trung ở những khu vực đất thô, đất ít chất dinh dưỡng với diện tích dự kiến 16 ha; hiện nông dân đang làm đất và chuẩn bị xuống giống. Đồng chí Hồ Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Vì trước đây quen với việc trồng lúa nên khi vận động chuyển đổi sang trồng đậu xanh, nhiều bà con tỏ ra lo lắng. Nay qua 2 đợt thu hoạch, hiệu quả thấy rõ so với trồng lúa nên tích cực tham gia.
Minh Khai