CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

“Lỗi” không hẳn tại… thị trường!

(NTO) Có thể nói, sau vài năm giá nho tươi các loại, chủ yếu là nho đỏ và nho xanh trên địa bàn tỉnh có giá khá “ổn định”, bình quân nho đỏ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, nho xanh cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần nho đỏ… thì những tháng đầu năm nay giá nho đã tăng lên đáng kể, gần gấp đôi so với trước đây. Cụ thể, giá nho xanh bán tại vườn từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/kg tùy chất lượng, nho đỏ có giá từ 35.000 đến 50.000 đồng/kg. Theo nhiều “nhà nho”, với mức giá như thế này nếu như kéo dài đến hết năm nay thì…“sống khỏe” đồng thời có thể bù đắp lại một phần “hao hụt” tài chính gia đình do giá thấp của các năm trước!.

Du khách mua nho tươi tại Trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc

Phấn khởi đó nhưng niềm vui của nhiều “nhà nho” vẫn chưa trọn. Anh bạn tôi có thâm niên trồng nho không dưới 30 năm tính từ thời cây nho còn là cây… trồng kiểng, lấy bóng mát trước sân nhà “than” rằng: - Giá như cuối năm không bị mấy cây mưa lớn gây ngập úng dẫn đến nho bị “suy” rễ nên năng suất giảm, nếu không thì trúng đậm. Anh cho biết thêm là tính bình quân sản lượng so với cùng vụ giảm không dưới 30%. – Thôi kệ, mất sản lượng nhưng được giá cũng gọi là… bù trừ. Thực ra, theo nhiều người trồng nho, dù giá có thấp chăng nữa thì cây nho vẫn là cây trồng nằm trong top cho thu nhập cao nhất so với các cây trồng truyền thống khác trong tỉnh. So với sản xuất lúa, “nhà nho”, “nhà táo” vẫn “xênh xang” hơn nhiều!. Anh bạn tôi đúc kết.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 ha nho và gần 950 ha táo với sản lượng hàng năm bình quân không dưới 32.000 đến 35.000 tấn mỗi loại. Nhìn vào con số cũng đã là khá lớn nhưng so với nhu cầu thị trường trong cả nước thì đây mới chỉ là con số… nhỏ. Ông Ba Mọi, chủ doanh nghiệp cùng tên đã tâm sự rất thật rằng: Ai đó cho rằng nho, táo cứ được mùa là mất giá và ngược lại là không đầy đủ, bởi riêng doanh nghiệp của ông dù đã nỗ lực hết mức cũng không đủ số lượng nho, táo để cung cấp cho các đơn hàng mà hàng chục siêu thị trong nước đã đặt. Với quy trình chọn lọc, sơ chế… bằng thiết bị khá hiện đại để tạo ra những chùm nho, trái táo sạch theo nhu cầu người tiêu dùng của cơ sở ông Ba Mọi đủ thấy cách làm của ông cũng… khác người. Ông than phiền: - Các chủ vườn nho lẽ ra bán sản phẩm được giá cao hơn, ổn định hơn nếu hợp đồng với doanh nghiệp và chấp nhận thực hiện theo quy trình của doanh nghiệp chọn lọc sơ chế ban đầu… Tuy nhiên tiếc rằng nhà vườn không đồng tình mà chỉ “thích” ăn xổi, bán mão cả giàn để lấy tiền một lần, chấp nhận giá bán theo kiểu “năm ăn, năm thua”… Ông Ba Mọi cũng đồng cảm với những rủi ro có thể xảy ra bởi “nắng mưa là bệnh của trời” luôn bất lợi cho cây nho, nhất là thời điểm thu hoạch, nhưng chỉ tiếc là nếu hợp tác với doanh nghiệp thì không lo gì mất giá cũng như thiếu ổn định đầu ra. Táo xanh cũng tương tự như vậy!.

Suy ra, đối với nhà nông lâu nay luôn mong rằng khi “cây già, trái chín” bán được giá, tiêu thụ nhanh thế nhưng yếu tố “chủ động” trước người mua thường là yếu thế, lệ thuộc để bị chi phối về giá trong khi nếu đổi mới cách nghĩ, cách làm theo “kiểu” của ông Ba Mọi thì sẽ ở thế “thượng phong” như câu chuyện về trái nho chúng tôi đã đề cập. Vậy nên “lỗi” không hẳn tại… thị trường mà là do chính từ người sản xuất!.