Xen giữa những diện tích gieo sớm, có không ít diện tích “gia beo” ruộng chỉ mới được cày ải, làm đất để chuẩn bị xuống giống. Nông dân Bà Râu Thị Chinh thôn Giá, xã Phước Hà sạ xong 3 sào ruộng từ hồi cuối tháng 3 cho biết: Cắt xong lúa vụ đông-xuân, thấy ruộng có nước nên tranh thủ làm luôn. Ruộng mình thì mình làm chứ đợi lịch thời vụ lâu lắm.
Nhiều diện tích lúa Hè Thu tại xã Phước Hà gieo sạ sớm hơn 1 tháng so với lịch thời vụ.
Thấy hộ này sạ, hộ khác cũng xuống giống theo, cứ thế chỉ trong một thời gian ngắn, đồng Phước Hạ rồi Phước Thượng thuộc xã Phước Hà người dân đua nhau xuống giống sớm, như để tranh thủ nguồn nước từ kênh mương và đất ruộng nhà mình. Theo UBND xã, hiện toàn xã đã có trên ½ diện tích trong tổng số 135 ha đất lúa đã xuống giống trước lịch thời vụ. Bà Tà-in Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Lúc đầu phát hiện một số diện tích người dân xuống giống sớm, UBND xã cũng đã chỉ đạo, vận động không cho xuống giống tiếp nhưng bà con xin, thậm chí trốn để sạ vì đã lỡ ngâm ủ giống. Mặt khác, tâm lý của bà con thấy nước đầy ruộng tiếc nên tranh thủ làm luôn mà không nghĩ đến lịch thời vụ. Tình trạng này thường xảy ra nhưng xã vận động hoài mà chưa có hiệu quả.
Không riêng gì ở xã Phước Hà, mà tại một số địa phương, nông dân cũng “xé” lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có hơn 110 ha lúa đã xuống giống hè-thu sớm trước lịch thời vụ từ ngày 1-5, cụ thể tại huyện Thuận Nam có 76 ha, Ninh Phước 11 ha và Ninh Sơn 25 ha. Cá biệt, tại huyện Thuận Bắc có 300 ha lúa vụ đông-xuân muộn, đến nay lúa đang trong giai đoạn chắc-chín chưa cho thu hoạch. Đây là những diện tích sản xuất không đúng theo lịch thời vụ nên nguy cơ mất mùa do sâu bệnh, thiếu chủ động về nguồn nước và bị thiệt hại do thiên tai là rất lớn.
Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Gieo sạ không đúng lịch thời vụ sẽ ảnh hưởng đến năng suất do sâu bệnh cục bộ như rầy, sâu đục thân lưu trú có điều kiện phát dục nở trứng, sinh trưởng phát triển tiếp sau vòng đời bắt sang pha 2. Ngoài ra, sản xuất không đúng lịch thời vụ vừa ảnh hưởng đến khâu điều tiết nước, làm đất, vừa không thuận về điều kiện thời tiết, cây sinh trưởng phát triển kém, nhất là ảnh hưởng thời tiết xấu, do mưa lũ gây thiệt hại… Trường hợp xuống giống trái vụ, khi bị mất mùa rất khó khăn trong việc đề nghị hỗ trợ thiệt hại. Do đó, địa phương cần tích cực tuyên truyền, giải thích hướng dẫn để người dân thực hiện nghiêm túc, tránh việc xuống giống theo thói quen, tập quán canh tác thiếu khoa học, không tuân thủ lịch thời vụ.
Trên cở sở đó, ngành Nông nghiệp cũng đã nhắc nhở các địa phương không tuân thủ lịch thời vụ; có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng. Mặt khác, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khuyến cáo người dân sau khi thu hoạch lúa vụ đông-xuân 2016-2017 nên tổ chức cày ải phơi đất để cắt đứt mầm bệnh. Các huyện, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với các đơn vị trong ngành Nông nghiệp thực hiện quyết liệt, dứt điểm tình trạng trên một xứ đồng tồn tại nhiều trà lúa có tuổi khác nhau do bố trí lệch vụ. Việc xuống giống gieo trồng vụ hè-thu 2017 phải thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp đã xuống giống lệch vụ, cần thống kê diện tích, có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ sâu bệnh hại không để phát tán lây lan sang vùng ruộng khác.
Anh Tuấn