Là thôn có 100% dân số là đồng bào Chăm sinh sống, nhiều bà con đã quen với tiếng mẹ đẻ nên còn hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, chính sách được triển khai. Vì thế với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân, ông Dảnh đã đến tận nhà từng hộ dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho bà con; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự, lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Kiều Dảnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Dảnh đã vận động các hộ dân trong thôn hiến đất, góp tiền, ngày công để hoàn thành 3 km đường nội đồng và xây dựng kênh mương thủy lợi theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tham gia Tổ hòa giải ở cơ sở, ông Dảnh cùng Ban công tác Mặt trận của thôn hòa giải thành công hàng chục vụ tranh chấp, vướng mắc liên quan đến đất đai của người dân trong thôn, giúp mọi người hiểu thấu đáo sự việc, góp phần duy trì tình làng nghĩa xóm.
Trong sản xuất, gia đình ông Dảnh luôn tiên phong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất tại gia đình, thấy hiệu quả nên nhiều bà con đã làm theo. Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật do cơ quan chức năng tổ chức. Nhận thấy ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, ông đã vận động mọi người không xả rác bừa bãi, làm chuồng trại chăn nuôi xa khu vực sinh hoạt, không thả rong gia súc. Rất nhiều việc dân, việc làng đều có sự đóng góp không nhỏ của ông.
Nói về những công việc mà mình đang làm, ông Kiều Dảnh cho biết: Công tác vận động quần chúng ở cơ sở muốn đạt hiệu quả cao phải gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của người dân. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì “tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”, bởi vậy, người có uy tín phải am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để người dân tin tưởng thì bản thân người uy tín phải nói được, làm được, có như vậy bà con mới tin tưởng, làm theo.
Ông Bá Thanh Thanh Trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam nhận xét: Ông Kiều Dảnh là một trong những vị cao niên có uy tín trong đồng bào Chăm. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông luôn gương mẫu đi đầu; đứng ra vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu và đồng tình đóng góp công sức cùng chính quyền thực hiện các công trình phúc lợi ở địa phương. Mặt khác, là người am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình nên ông thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người có uy tín như ông Kiều Dãnh đã góp phần xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giũ vững quốc phòng-an ninh địa phương.
Trần Phương