Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Dịp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: Toàn xã hiện có 1.887 hộ, 8.965 nhân khẩu người Chăm sinh sống tập trung tại 4 thôn An Nhơn, Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2 và Phước Nhơn 3. Sự thay đổi lớn nhất trong nhận thức của đồng bào Chăm địa phương là không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chăm lo và chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, mà luôn chủ động, chí thú làm ăn. Những năm gần đây, thông qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm cho bộ mặt các làng Chăm ngày càng khang trang hơn. Cũng từ phong trào này, ở các làng Chăm đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, với nhiều gương cá nhân vượt khó làm giàu chính đáng.
Anh Dương Ngọc Sa (An Nhơn, Xuân Hải) bên mô hình nuôi chim bồ câu cho thu nhập ổn định.
Gia đình anh Dương Ngọc Sa ở thôn An Nhơn là một điển hình. Trước đây, gia đình anh chỉ làm nghề bán thuốc nam và trồng vài sào lúa. Từ đồng vốn tích lũy, anh sang nhượng thêm 2 ha, trồng lúa 3 vụ. Nhờ cán bộ xã hướng dẫn áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa đạt bình quân 8 tấn/ha, cho lãi 25 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài trồng lúa, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò vỗ béo, hằng năm xuất chuồng 2 đợt thu về trên 200 triệu đồng; nuôi đàn gà trên 200 con; bồ câu trên 300 con. Từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, bình quân gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Hay như hộ chị Nguyễn Thị Kim Sáng ở thôn Phước Nhơn 2 từ hai bàn tay trắng, giờ đây đã có trong tay tiền tỷ, trở thành gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình trong cộng đồng. Ngoài ra, chị tích cực hỗ trợ công tác khuyến học của địa phương, chủ động giúp nhiều phụ nữ khó khăn về vốn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin với mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế…
Bên cạnh đó, việc thường xuyên cấp giấy phép hành nghề, tổ chức tập huấn chế biến dược liệu thuốc nam của Hội Đông y tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân nơi đây tăng thu nhập ổn định từ nghề bán thuốc nam gia truyền. Cùng với đó, dự án bảo tồn cây thuốc nam và nghề thuốc nam của người Chăm được Hội Đông y tỉnh thực hiện từ đầu năm 2010 tại hai thôn An Nhơn, Phước Nhơn 1 đến nay đã đem lại tín hiệu khả quan, giúp bà con chủ động được nguồn dược liệu, có thể ổn định hơn với nghề thuốc nam gia truyền.
Đồng bào các làng Chăm xã Xuân Hải làm bánh vui đón Ramưwan.
Coi học tập là chìa khóa để thoát nghèo, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các hộ tiếp thu và vận dụng có hiệu quả. Được biết, bên cạnh “Gia đình hiếu học”, các làng Chăm ở xã Xuân Hải cũng đã hình thành các “Dòng họ khuyến học”, mỗi dòng họ tập hợp 7-10 gia đình, với khoảng 30-40 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ, động viên con cháu vượt khó học giỏi. Nhờ đó, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, nuôi con học thành đạt, có 60-75 % số người trong dòng họ có trình độ đại học, cao đẳng, không ai thất học. Công tác khuyến học cũng trở thành nền nếp trong sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, đồng bào tự nguyện đóng góp gây Quỹ Khuyến học, khuyến tài, tổ chức biểu dương, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh đoạt giải các kỳ thi, thi đại học đạt điểm cao, hỗ trợ thành viên nghèo có chí học tập, vươn lên. Ngoài ra, bà con còn góp công sức tu sửa, xây dựng trường lớp, thăm hỏi, động viên thầy, cô giáo... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương.
Ngoài việc đầu tư cho phát triển kinh tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ xã hội cũng được các làng Chăm xã Xuân Hải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện. Từ đó, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội của đồng bào Chăm dần được xóa bỏ. Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm được giữ gìn, phát huy, xây dựng nên những thôn, làng ấm no, giàu đẹp.
Xuân Nguyên