Bác Ái là huyện miền núi nằm trong 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với 96% đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng, qua đó tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với cơ hội học nghề, tiếp thu và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Do vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ban, ngành liên quan phối hợp triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong năm 2016, huyện đã tổ chức được 12 lớp, với 144 LĐ, kinh phí thực hiện 683 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức được 6 lớp nghề LĐNT cho 120 LĐ địa phương. Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Điều phấn khởi trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua đó là các địa phương đã xác định thế mạnh của mình về phát triển kinh tế-xã hội, từ đó đã định hướng hiệu quả cho người dân tham gia học nghề, số LĐ tham gia học nghề hầu hết là hộ nghèo (chiếm 76%), sau học nghề được xã bố trí hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức của người LĐ được nâng lên, họ đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Nhờ áp dụng các kỹ năng sau khi học nghề LĐNT nhiều hộ nông dân đã nâng cao hiệu quả sản xuất,
nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.622 LĐ, đạt 100,84% so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp 2.353 LĐ, đào tạo nghề phi nông nghiệp 269 LĐ, qua đó góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 52,2%. Trong năm, nguồn kinh phí hỗ trợ LĐNT học nghề trên 4,3 tỷ đồng, số LĐNT sau khi học nghề có việc làm 2.126 LĐ, chiếm 81% so với tổng số LĐ đã được đào tạo. Một số nghề như may công nghiệp, nghiệp vụ bàn trong dịch vụ ăn uống do Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, Trường Trung cấp Việt Thuận tổ chức đào tạo đã gắn được với nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như trồng rong sụn, trồng nho an toàn, thanh long ruột đỏ, nuôi gà sinh học, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng trọt… do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đào tạo đã gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống phù hợp theo điều kiện của mỗi địa phương, giúp LĐNT triển khai vận dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất LĐ. Các nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên đi biển do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản liên kết đào tạo giúp ngư dân nâng cao năng lực khai thác, phổ biến tuyên truyền pháp luật liên quan, đồng thời nâng cao ý thức của ngư dân về khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản… Tuy nhiên, qua đánh giá từ thực tế, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác lập kế hoạch, xác định ngành nghề đào tạo cho người LĐ tại một số địa phương, đoàn thể chưa phù hợp; nhận thức về học nghề của một bộ phận người LĐ vẫn còn khá hạn chế; đa số LĐNT đều thiếu vốn, không có điều kiện tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình sau khi học nghề…
Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta phấn đấu đào tạo nghề cho 2.600 LĐNT, trong đó tổ chức đào tạo cho 400 LĐ nghề phi nông nghiệp, 2.200 LĐ nông nghiệp; trên 81% tỷ lệ LĐ có việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 17 lớp đào tạo nghề cho hàng trăm LĐ. Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Để đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2017, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT gắn với các sản phẩm chủ lực, kế hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, nhu cầu sử dụng LĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, các ngành, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT.
Thế Quang