Sắc gốm làng Chăm

Níu lòng anh ở lại làng Chăm          
Sắc gốm đỏ màu trời xanh quá đỗi   
Trong mắt em có điều chi giận dỗi   
Anh muộn về thăm lại dáng yêu xưa.

Đất quê mình dầu dãi nắng mưa
Em lặng lẽ hóa thân thành sắc gốm
Tôi qua lửa đất hồng thơm nắng sớm
Anh nghe mùi rơm rạ đã dâng hương.

Dẫu muộn về vẫn canh cánh nhớ thương
Lưng mẹ còng xoay vòng theo bệ gốm
Truyền cho em lòng yêu thôn xóm
Hồn hậu tình người đẹp nét hoa văn.

Về thăm em thức suốt mùa trăng
Lửa rơm rạ bập bùng nỗi nhớ
Hoa đất nở hồng tươi sắc đỏ
Tình yêu em, yêu lắm gốm Chăm ơi!

Thái Sơn Ngọc

Lời bình

Bàu Trúc làng Chăm, nơi đặc sản gốm nổi tiếng của Ninh Thuận, xứ sở dễ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ mỗi khi đặt chân tới. Nhiều bài thơ, bản nhạc, bức tranh cất cánh từ địa chỉ văn hóa đặc sắc này. Sắc gốm làng Chăm- thi phẩm của Thái Sơn Ngọc vừa mới ra mắt bạn đọc và được nhiều người đón nhận.

Níu lòng anh ở lại làng Chăm

Sắc gốm đỏ màu trời xanh quá đỗi

Trong mắt em có điều chi giận dỗi

Anh muộn về thăm lại dáng yêu xưa.

Làng nghề đang vào ngày hội mà màu gốm hừng lên sắc đỏ như hẹn sẵn đợi chờ ai? Tiếng nói của quê hương ta đó, cất lên niềm kiêu hãnh, tự hào! Bởi vậy, ta hiểu vì sao em mời anh ở lại tế nhị, khác thường đến thế: níu lòng anh ở lại làng Chăm (níu lòng chứ không phải níu anh!)

Nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: Sơn Ngọc

Khó hiểu chăng là cái điều khúc mắc: em níu anh ở lại trong khi đang có điều chi giận dỗi? Nhớ lời hẹn, em đã chờ anh đăm đăm mòn cả phương trời... mà... Trở ngại gì chăng? Mưa trơn, lầy lội? Không, hôm nay trời thăm thẳm xanh, tác giả còn xác minh rõ mồn một xanh quá đỗi nữa kia mà, nghĩa là quá ư thiên thời và quá ư địa lợi. Thế thì còn vì cái cớ gì ngăn cản nữa? Rồi như một linh cảm có ai mách bảo “điềm lành”. Sắc gốm bỗng đỏ hừng lên, hiển hiện trước mắt em kia: “Hỡi cô gái đáng yêu, người ấy chỉ muộn về đó thôi”. Có thế chứ. Trung tâm của “rốn bão” là đây: “Chính danh thủ phạm” là anh muộn về! Hóa ra anh chàng “tội nghiệp” của chúng ta đã bị “giam” lỏng từ lâu trong kinh thành “mắt xanh” của ai kia. Hỡi em gái có góp phần làm nên sắc gốm làng Chăm, người đọc hiểu được và thông cảm cho lòng em rồi đó. Không phải ngẫu nhiên, tác giả mở toang kho báu từ vựng tiếng Việt, lựa chọn tìm nhặt ra động từ níu đắc địa, độc quyền của tình yêu, thật mãn nguyện dành cho em để giữ lòng chàng!

Cái giận đáng yêu của em gái, nhân vật trữ tình, phải chăng là tiếng lòng tha thiết gọi mời về nơi làng quê, làng nghề yêu dấu, nơi con người và cuộc sống thân thương, bình lặng ngàn đời phải được lưu tồn và phát triển? Phải chăng là nỗi lòng mong đợi, thôi thúc, giục giã mọi người, mọi miền quê đến với một làng nghề? Đó phải chăng cũng là lời nhắc nhở chúng ta chớ muộn về với nguồn cội văn hóa, nơi tạo nên bản sắc dân tộc? Quay lưng lại với nghề truyền thống tốt đẹp cha ông là nặng tội với tiền nhân?

Hình ảnh em và gốm cứ song hành qua cảm hứng thi nhân. Gốm được hiện lên bình dị, mộc mạc, kết tinh đằm thắm quyện chặt bởi tình đất, tình người. Đất này tỏa hương khi được ủ men dầu dãi nắng mưa của những con người yêu dấu cần cù, nhẫn nại, tài hoa làng Chăm, hòa quyện cùng với ngọn lửa ngàn đời ấm nóng tỏa hương từ rơm rạ quê nhà.

Thấm mát nắm đất nghìn đời tình nghĩa trên tay, từ trong sâu thẳm lòng mình, tác giả kiêu hãnh cất tiếng: Ôi, đất quê mình… Ôi, đất hồng thơm! Có cách nói, ý nghĩ nào tự hào, khái quát, thân thương hơn về xứ sở? Đất thấm mồ hôi bàn tay mẹ, bàn tay cha đẫm mặn tình quê. Và cứ thế, cứ thế mà thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, lặng lẽ đất và người hóa thân thành sắc gốm.

Hình ảnh lưng mẹ còng cần mẫn ngày đêm như con ong thợ miệt mài làm ra mật ngọt dâng cho đời xoay vòng theo bệ gốm, gợi ra bao điều suy ngẫm trong ta: ta cảm phục về người mẹ bao nhiêu thì ta cũng rưng rưng thương cho người mẹ nghèo bấy nhiêu. Bao đời vì miếng cơm, tấm áo, vì tình nghĩa nhân văn cao đẹp, mẹ vẫn ngày đêm miệt mài xoay, xoay mãi theo vòng xoay số phận… Bệ gốm là hình ảnh vững bền cho cái gốc văn hóa tinh xảo ngàn đời mà mẹ hằng lưu giữ và kế tục truyền lại cho cháu, cho con... Đến đây, tác giả đẩy cái đẹp lên một tầng nấc mới:

Về thăm em thức suốt mùa trăng

Lửa rơm rạ bập bùng nỗi nhớ

Hoa đất nở hồng tươi sắc đỏ

Ẩn dụ - biện pháp nghệ thuật tu từ được tác giả vận dụng thật đúng lúc. Đất dẻo trên tay mẹ, tay em bỗng hóa thành hoa đất nở hồng tươi sắc đỏ. Đất cát không chịu vô tri lặng yên được mà bỗng hóa thân trở thành sản vật sống động ấm nóng, mang hơi thở hồn người, đó chẳng phải là đất đang bừng nở ra sắc hoa tươi đỏ đó sao?

Không biết có nơi nào như ở nơi đây, đất tình nguyện từ bao đời, ký kết hợp đồng với tâm hồn, bàn tay, khối óc của những ông bố, những bà mẹ, em gái Làng Chăm tạo nên “thương hiệu” - GỐM BÀU TRÚC- quyến rũ nức tiếng tới mọi người và cùng với các làng nghề tinh xảo khác vượt cả ra ngoài biên giới Việt?

Bài thơ đã kết. Hình ảnh Lửa rơm rạ từ những lò gốm Chăm cứ bập bùng, bập bùng sáng tỏa hình tượng thơ; cứ bập bùng, bập bùng men hồng sắc gốm. Âm hưởng thơ cứ ngân vang, lan tỏa mãi trong hồn tôi: Tình yêu em, yêu lắm gốm Chăm ơi…