Thế nhưng, chẳng biết thật hay đùa mà mấy ông bạn tôi lại tỏ ra băn khoăn chưa vội hào hứng nhận lời ngay như mọi khi!. Theo ông bạn “trưởng nhóm” cho hay, bạn bè thống nhất “hỏi” là năm nay Ninh Thuận có thêm gì mới, bởi nếu như cũ thì mọi người đều đã đến và biết rõ cả rồi thì liệu còn có gì để... khám phá!. Chỉ tiếc rằng không đến Ninh Thuận là có phần “thiệt thòi” về ẩm thực mà thôi. Ông bạn tôi giải thích thêm: “Việc du lịch cốt để ăn chơi” đúng nghĩa. Tuy Ninh Thuận có nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn thuộc cào hàng “độc nhất vô nhị” cộng với những làng nghề truyền thống như làm gốm, dệt thổ cẩm; đền tháp của người Chăm... nên đã đến là say mê thưởng ngoạn nhưng nếu cứ giữ “nguyên bản” như vậy mà không tiếp tục phát triển thêm nhiều loại hình du lịch khác thì dù có thích mấy đi chăng nữa cũng chỉ đến lần thứ hai là cùng!.
Du khách đến nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Sài Gòn- Ninh Chử trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Sơn Ngọc
Không phải riêng gì các bạn tôi mà nhiều du khách có dịp tiếp xúc đều có chung cảm nhận như vậy. Ninh Thuận còn “hớp hồn” du khách bởi những món ăn dân dã mà “đậm đà khó quên” như bánh căn đổ với mực cơm, bánh canh chả cá, bánh xèo, thậm chí là món bún mắm nêm hay mắm cái rất hợp khẩu vị với nhiều du khách vốn có “gốc gác” là dân “gốc rạ”; ngay cả một số vị khách tây thử ăn vài lần cũng thấy mê món ăn này...Cà phê Phan Rang ngon nức tiếng cả nước bởi cách pha trộn độc đáo của các quán... Chung quy lại, để phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của du khách các điểm bán hàng ăn, quán cà phê đủ kiểu mọc lên với mật độ rất dày, thậm chí là... thừa so với nhu cầu hiện tại, ngược lại cái thiếu cơ bản là chơi gì, ở đâu và chơi ra sao?. Nhìn lại, đúng là thiếu thật. Du khách ngoài nhu cầu “mãn nhãn” với cảnh quan, di tích, làng nghề; thỏa mãn nhu cầu ẩm thực... còn nhu cầu khác đó là sự trải nghiệm, vui chơi. Một số người quen của tôi có dịp đi đây đi đó cả trong và ngoài nước cho rằng, có những trò chơi rất đơn giản như thu hút chim đến đậu trên tay, trên đầu khi cho ăn; cho cá bú bình... như tại khu công viên du lịch Yangbay (Khánh Hòa); du khách không chỉ xem mà còn trải nghiệm cùng làm với nông dân như ở Hội An (Quảng Nam)... Còn Ninh Thuận ta nếu nói không có cũng không đúng nhưng do cách tổ chức chưa bài bản nên chưa thu hút du khách. Đơn cử như tại làng gốm Bàu Trúc một số hộ đã có cách làm du lịch là hướng dẫn du khách tự tay tạo những vật dụng bằng đất... nhưng thiếu thuyết minh cộng với cái nắng nóng gay gắt tại nơi sản xuất thì khó có du khách nào “trụ” lại lâu để trải nghiệm. Cũng có người gợi ý: - Sao không hướng dẫn du khách tự đỗ bánh xèo, bánh căn rồi tự mình hay cùng người thân thưởng thức, vừa trải nghiệm thú vị lại vừa có thể tự học được “nghề” làm bánh vốn đơn giản và phổ biến một thời trong các gia đình này...
Suy ra, sức hấp dẫn của du lịch không chỉ ở cảnh quan, ẩm thực mà điều không kém phần quan trọng đó là phải đủ cả 2 yếu tố “ăn” và “chơi”, nói như dân gian đã đi du lịch là phải “đáng đồng tiền bát gạo”... Dịp lễ này, mấy ông bạn tôi tuy khó tính vậy nhưng cũng hồ hởi để đến, và tất nhiên là “chủ nhà” tôi cũng thiết kế “tour” trải nghiệm cả “ăn” và “chơi” với “cảm giác mạnh” đó là trải nghiệm với đồi cát Nam Cương đến Mũi Dinh để thấy rằng Ninh Thuận vẫn còn rất nhiều điều hấp dẫn cần khám phá để không chỉ đến một lần là đủ!.
HH