(NTO) Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Nghị quyết 08 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp…Để giải quyết căn cơ các vướng mắc, khó khăn của ngành Du lịch, Nghị quyết tập trung vào 8 nhóm giải pháp cốt lõi, một trong số đó là nhóm giải pháp về “Phát triển nguồn nhân lực du lịch”.
Du khách tham quan Vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với tỉnh ta, những năm gần đây ngành Du lịch đã và đang có chiều hướng phát triển mạnh, không chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư đến khai thác các tiềm năng lợi thế của “một Tây Á thu nhỏ ”- như câu ví von rất hình ảnh, đậm chất khái quát, đặc trưng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành cho tỉnh và có thể xem đây là một sự đánh giá, khích lệ và tràn đầy sự tin tưởng về một sức bật mới của tỉnh nhà trong tương lai không xa, trong đó có lĩnh vực du lịch… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 43 dự án du lịch, với tổng diện tích trên 1.100 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 11.000 tỷ đồng. Về cơ sở lưu trú, toàn tỉnh hiện có 108 cơ sở, với 2.300 phòng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, lưu trú tại tỉnh...Nêu ra những con số trên để cho thấy “sức hút” về nguồn nhân lực du lịch, nhất là có trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc ngày càng lớn. Để từng bước đáp ứng yêu cầu nói trên, ngày 3-2-2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 332/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Quyết định đã nêu, thời gian qua ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có những cố gắng trong việc huy động tiềm năng và các nguồn lực để tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bước đầu đã thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch... Trong năm, ngành đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các lớp như: Thuyết minh viên (30 người, trong đó 26 người là các CBVC đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, 4 cá nhân có nhu cầu); Lớp nghiệp vụ phục vụ Bàn 40 người; Lớp nghiệp vụ phục vụ Buồng 40 người; Lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng 51 người (Trong đó, viên chức và người lao động Vườn quốc gia Phước Bình 16 người, người dân xã Phước Bình 35 người) và 2 lớp Tiếng Nga do Công ty Anex tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch…
Tuy nhiên, cân phân mà nói chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch chưa thật sự rõ nét; nhân lực phục vụ du lịch bằng Tiếng Anh còn yếu và thiếu, đặc biệt là thiếu nhân lực biết các ngoại ngữ như Nga, Nhật, Hàn... Mặt khác, không ít các cơ sở kinh doanh du lịch chưa coi trọng công tác đào tạo nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ, phần lớn tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ nên chất lượng phục vụ chưa cao. Không chỉ vậy, một số nhà quản lý luôn trong tâm trạng e ngại khả năng “chảy máu chất xám” nên ít khi tạo điều kiện hoặc đầu tư đúng mức cho nhân viên phát triển khả năng với nỗi lo họ sẽ rời khỏi doanh nghiệp khi đã có kinh nghiệm và bằng cấp sau đào tạo. Đó là chưa nói đến tình trạng “nhảy việc” của không ít nhân viên quản lý lành nghề, nạn chèo kéo nhân viên không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch cũng khiến bài toán thiếu nguồn nhân lực ở địa phương càng trở nên nan giải.
Dự báo năm 2017, tỉnh ta đón 1,75 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 100 ngàn lượt khách quốc tế; phấn đấu thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt trên 870 tỷ đồng. Điều đáng mừng là chỉ mới trong quý I-2017, toàn tỉnh đã đón gần 658 ngàn lượt du khách, tăng 15%, trong đó riêng khách quốc tế tăng 47%, doanh thu du lịch đạt trên 222 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm du lịch là kết quả của các dịch vụ tổng hợp, theo đó, nguồn nhân lực du lịch là nhân tố góp phần quyết định đến 50% thành công của sản phẩm du lịch. Do vậy, yêu cầu đặt ra là để tạo đà cho du lịch tỉnh nhà phát triển ngang tầm trong khu vực và cả nước, thực sự là “điểm đến của Việt Nam trong tương lai” rất cần đầu tư đúng mức cho đào tạo nhằm tăng số lượng, đạt chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển… theo tinh thần Quyết định 332/QĐ-UBND ngày 03-02-2016 của UBND tỉnh.
TD