Có thể nói, chưa bao giờ những thông tin về trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra trong tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung được xã hội quan tâm với tâm trạng nhiều bức xúc và quyết liệt lên án như hiện nay. Có một thực tế đáng báo động trong những năm gần đây, số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Trong đó, số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ, như vậy bình quân mỗi năm có trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện, trong đó nạn nhân đa số là nữ ở độ tuổi 12 đến 15, chiếm 57,46%. Tuy nhiên, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm đến 13,2%!. Thực ra, những vụ việc đã được phát hiện chỉ là “phần nổi” trong “tảng băng chìm” mà thôi. Mặc dù với bất kỳ người mẹ, người cha nào thì đây là nỗi đau tột cùng, song do rào cản tâm lý không dám tố cáo, vì sợ con mình bị kỳ thị, xấu hổ…Điều cũng đáng quan tâm là không những tăng về số lượng, các vụ việc gần đây còn gia tăng về mức độ phức tạp, thậm chí có cả trường hợp mất nhân tính đến mức không chỉ cha đẻ mà còn cả ông nội cũng xâm hại đến cháu ruột của mình như vụ việc xảy ra mới đây ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long)…
Gia đình, cộng đồng xã hội phải nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em. Ảnh: Sơn Ngọc
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?. Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân cơ bản: Đầu tiên là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thật sự hiệu quả. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ bê con cái ở một số gia đình cũng cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và sự hạn chế cả về năng lực, số lượng lẫn quyền hạn pháp lý của cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng trẻ em bị xâm hại tình dục...
Luật Trẻ em mới được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua trong đó có quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục trẻ em (Điều 6), quyền của trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25) và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó đã bao gồm cả trẻ em bị xâm hại tình dục. Luật mới này sẽ có hiệu lực vào tháng 6-2017, đây sẽ là công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của trẻ em một cách hiệu quả hơn.
Có thể thấy, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Do vậy, cũng theo các chuyên gia, ngoài hình phạt của pháp luật thì gia đình, cộng đồng xã hội phải nâng cao ý thức đề phòng, bảo vệ trẻ em. Đó là điều rất quan trọng. Mặt khác, để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những nguy cơ bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục, giải pháp quan trọng nhất chính là việc giáo dục cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân mình.
HH