(NTO) Ma Nới là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn, với hơn 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, hoạt động cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư sản xuất, chăn nuôi thông qua tổ vay vốn Hội Phụ nữ (PN) được thực hiện khá hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã có gần 530 hội viên phụ nữ tham gia vào 13 Tổ vay vốn với dư nợ trên 9,8 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Ma Nới cho biết, qua phối hợp triển khai thực hiện, hầu hết các tổ vay vốn luôn được cấp trên đánh giá cao và khen thưởng là đơn vị triển khai thực hiện tốt việc cho vay qua tổ. Trong 13 tổ vay vốn như đã nói trên có 10 tổ được đánh giá tốt và 3 tổ khá.
Chị Ka tơ Thị Dựng, tổ trưởng tổ vay vốn Đội II (thôn Gia Rót, xã Ma Nới) đang hướng dẫn thành viên trong tổ làm hồ sơ vay vốn.
Chúng tôi đến thăm Tổ vay vốn Đội II (thôn Gia Rót) - một trong những tổ điển hình của xã được thành lập và đi vào hoạt động cách đây 3 năm, hiện có 55 thành viên vay vốn với tổng dư nợ trên 1,2 tỷ đồng. Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, chị Ka tơ Thị Dựng, Tổ trưởng Tổ vay vốn phấn khởi cho biết: Lúc mới thành lập, toàn tổ có trên 20 hộ nghèo, đến nay đã giảm hơn một nửa. Các thành viên trong tổ vay vốn chủ yếu để mua bò cái sinh sản và phân bón, giống các loại cây trồng nhằm mở rộng sản xuất của gia đình. Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ lãi vay, hàng tháng chị Dựng đều tổ chức họp tổ để vừa chia sẻ kinh nghiệm làm ăn trong tổ, vừa vận động chị em trả lãi đúng kỳ hạn, chị em nào có nhiều thì gửi nhiều, có ít gửi ít… Nhờ vậy, đến nay nhiều thành viên vay vốn đều sử dụng hiệu quả vốn vay. Điều đáng nói là trong suốt quá trình hoạt động đến nay, tổ vay vốn không có nợ xấu và cả 3 năm đều được cấp trên khen thưởng là tổ vay vốn hoạt động hiệu quả của Hội Phụ nử xã. Chị Ka tơ Thị Đúy là thành viên tổ vay vốn chia sẻ: Đầu năm 2016, gia đình được vay 28 triệu đồng từ nguồn vay hộ nghèo và nguồn vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để mua 3 con bò cái sinh sản với lãi suất là 0,5%. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng mà gia đình tôi có điều kiện để sản xuất, chăn nuôi, bên cạnh đó là hội viên của Hội Phụ nữ xã nên trong quá trình vay vốn tôi nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiệt tình của chị tổ trưởng Ka tơ Thị Dựng. Chị nói thêm: Không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu hết các hội viên khác cũng đều rất phấn khởi khi tham gia tổ vay vốn để làm ăn...
Có thể nói, từ thực tế nêu trên đã ngày càng khẳng định hiệu quả của tổ vay vốn Hội Phụ nữ, đặc biệt là ở vùng miền núi với những cách làm hay, sát thực tế cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của từng thành viên và thực sự là kênh dẫn vốn thuận lợi, nhanh chóng và quản lý vốn hiệu quả, giúp hội viên từng bước xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ đồng vốn vay ngân hàng.
Mai Dũng