(NTO) Ông bạn học thời “tóc còn để chỏm” nay đã là lão nông từ Ninh Sơn xuống chơi mang theo quả mít ướt tặng bạn cũng gọi là có…quà “cây nhà lá vườn” vậy!. Quả thật đã lâu gia đình tôi không “đụng” tới mít mặc dù một thời rất khoái khẩu do có thông tin là người bán thường mua mít già rồi dùng háo chất để làm chín bán dần. Đưa chuyện này ra hỏi bạn, anh lắc đầu: Mình là nhà vườn nhưng ai mua được giá thì bán còn họ làm sao không rõ!...Nói rồi anh chuyển sang chuyện khác: Ông có nghe thông tin trái cây ngoại “đè” trái cây nội không?. –Có nghe. Tôi trả lời. – Đó, chính kiểu làm ăn không thật như ông hỏi nên trái cây nội không “thua” trên sân nhà mới là lạ!.
Đặc sản trái cây vùng đất Sông Pha thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua câu chuyện với bạn, tìm hiểu thêm thông tin, được biết từ đầu năm đến nay bình quân mỗi ngày nước ta chi khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 44 tỷ đồng) để nhập rau, củ, quả từ 2 thị trường Thái Lan và Trung Quốc, trong đó có đến 70% chi phí nhập các loại trái cây, chủ yếu là của Thái Lan. Điều đáng nói, phần lớn các loại trái cây nhập khẩu đều tương tự các sản phẩm có sẵn trong nước như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, quýt vàng, nhãn, nho và cả táo xanh quả nhỏ... Theo một số người bán hàng cho biết, trái cây Thái Lan cùng chủng loại với trái cây nước ta nhưng mẫu mã đẹp, lại “khuất mắt” chuyện thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… nên người tiêu dùng rất dễ “xiêu lòng”, ngược lại trái cây của ta thường không được chăm chút trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sơ chế… nên khi đến tay người mua thì một số đã bầm dập không bắt mắt, chất lượng đã thấp lại càng giảm… Không chỉ vậy, những thông tin về dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh, chất làm chín… tồn dư trong càng làm cho người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của trái cây trong nước.
Qua ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu hết các loại trái cây có xuất xứ từ nước ngoài, nhất là Thái Lan đều có giá không quá đắt so với trái cây nội cùng loại, thậm chí có loại còn rẻ hơn. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu thị trường, thực chất trái cây nội không đắt hơn trái cây ngoại. Sở dĩ, nhiều loại trái cây đặc sản trên thị trường giá cao là vì có quá nhiều lớp trung gian hưởng lợi trong quá trình đưa trái cây từ vườn đến tay người tiêu dùng. Nông dân bán cho thương lái giá rẻ, thương lái bán cho chủ vựa ở địa phương, rồi bán đi các vựa ở nơi khác, sau đó bán cho sạp, sạp lại bán cho người buôn lẻ… Cứ thế, trong "chuỗi" luân chuyển này, mỗi nơi đều nâng giá để hưởng lời, khi trái cây đến tay người tiêu dùng thì giá đã bị đẩy lên cao ngất ngưởng gấp mấy lần so với giá gốc. Mặt khác, sở dĩ trái cây Thái Lan giá thấp là vì công nghệ sản xuất và quá trình tiêu thụ sản phẩm gọn nhẹ, ít chi phí, sản lượng lớn..., lợi nhuận không phải chia cho nhiều người nên giá rất ổn định và không quá cao. Một trong những vướng mắc khác là đa phần nông dân ta vẫn trồng cây theo phong trào, hiệu ứng làm theo, diện tích phân tán nhỏ lẻ, để rồi điệp khúc “được mùa rớt giá” hay bị thương lái chèn ép... không làm sao hạn chế được.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các địa phương phải có quy hoạch cụ thể từng vùng trái cây chuyên canh theo thế mạnh từng nơi, tiến tới hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao; tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa sản xuất với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm... Có như vậy, trái cây nội mới mong có được chất lượng, đồng bộ, giá ổn định, để không bị lép vế trên “sân nhà”, nông dân cũng không phải canh cánh lo giá cả mỗi khi đến vụ thu hoạch.
HH