(NTO) Trong lần ghé thăm, anh thủ trưởng cùng đơn vị bộ đội từ Hà Nội vào thông báo: Tớ nghỉ hưu rồi, khỏe! Thấy tôi nghe vẻ ngạc nhiên, anh giải thích: Này nhé, hưu có ba bảy loại, nào hưu trâu (tiếp tục cày-làm việc thêm để có tiền), hưu cẩu (giữ nhà cho con cháu)…. và hưu nhàn. Thế bác thuộc diện hưu nào? Chú không nhận thấy sao, anh giờ rảnh rỗi có thời gian ghé thăm chú, bạn bè thân quen hồi cùng ở chiến trường nước bạn và cũng có dịp chu du khám phá phong cảnh đẹp, con người quê hương, đất nước mình thì đích thị là hưu...
Vài năm sau đó, anh bạn bằng tuổi tôi cũng từ Thủ đô ghé thăm, hỏi: Cậu nghỉ hưu chưa? Tôi nói, chúng mình tham gia công tác cùng ngày, cùng tháng, năm, còn mười hai tháng nữa mới đủ tuổi, sao nay bỗng dưng nói nghỉ hưu? Nghe vậy, anh cười: Mình chưa đủ tuổi, nhưng may mắn được hưu dự bị. Nghe có vẻ lạ, tôi hỏi: Ông cứ làm như hồi còn ở bộ đội chiến đấu ấy, hưu mà cũng có thê đội một, thê đội hai (lực lượng dự bị trong trận chiến tấn công địch). Nghe vậy anh lên tiếng: Ông đúng là con người của công việc, giờ này mà chưa tính đến việc nghỉ hưu. Tôi kể ông nghe chuyện hưu dự bị biết đâu có ích đấy. Này nhé, trách nhiệm của người đứng đầu là phải đào tạo người kế nhiệm. Cấp phó cơ quan mình đã “đủ lông, đủ cánh”, mình xin nghỉ công tác vì lý do sức khỏe khi đủ tuổi nhận sổ hưu, báo cáo cấp trên giao cấp phó phụ trách. Khi đó, công việc cơ quan cấp phó trực tiếp chỉ đạo điều hành, có gì khó khăn, vướng mắc báo cáo mình cho ý kiến. Thế là mình được nghỉ ngơi, cấp phó có cơ hội thăng tiến bằng việc thể hiện đầy đủ nhất năng lực lãnh đạo, điều hành cơ quan thực hiện nhiệm vụ. Với việc được giao quyền, lại là cán bộ trẻ, có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo quản lý, mình tin cậu ấy sẽ đảm nhiệm xuất sắc, là cơ hội tốt để tập thể tín nhiệm, cấp trên thấy được phẩm chất, năng lực quyết định bổ nhiệm cấp trưởng lúc mình nghỉ hưu. Thế có hay không, mình vừa có thời gian nghỉ ngơi thăm bạn bè, còn cấp phó cơ quan có thời gian thử thách và trưởng thành. Nhưng đó chưa phải là tất cả, cái được lớn hơn là mình có khoảng thời gian quen dần với môi trường sống mà ở đó bản thân không còn ra lệnh, trách nhiệm với chức trách được giao, áp lực công việc đè nặng hằng ngày, để dần trở về với cuộc sống đời thường như những người dân bình dị. Hôm nay, ghé thăm cậu dù trên giấy tờ mình vẫn còn là cấp trưởng nhưng trong thực tế không còn điều hành công việc cơ quan. Mình có thời gian dư dả, tâm hồn thảnh thơi, vui thú điền viên với bạn bè, gia đình thử hỏi còn gì sung sướng hơn! Anh nói chuyện mình được nghỉ công việc ít tháng chờ đủ tuổi nghỉ hưu cứ như người đời trúng số độc đắc vậy. Khác với anh, có những cá nhân ngày cuối cùng phải rời nhiệm sở về hưu, trả ghế cho cơ quan nhưng không muốn rời vị trí. Thế rồi dù cố gắng níu giữ trong ảo tưởng họ cũng buộc phải trở lại đời thường làm dân. Cái hậu khi quyền lực không còn, người cùng cánh hẩu lúc còn công tác là bằng hữu thân thiết, giờ tất cả đều rời xa. Và không hiểu tại sao khi còn đương chức, lúc đã nghỉ hưu người ta có thể cư xử với nhau trái ngược vậy. Có lẽ những ai như vị cán bộ nọ hãy tự trách mình trước bởi quy luật cuộc sống là nhân nào quả đó.
Chuyện hưu dự bị của anh âu cũng là ý tưởng hay. Ai chẳng cần quãng thời gian để thích nghi khi chuyển từ môi trường làm việc cả đời sang nghỉ ngơi. Bước đệm thời gian nghỉ việc chờ hưu giúp ta khắc phục những hụt hẫng do phải từ bỏ thói quen làm việc, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày, các mối quan hệ trong công tác… hạn chế ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Bỗng tôi băn khoăn chợt nghĩ, liệu mình có nên hưu dự bị giống anh hay không? Và có lẽ tôi sẽ như bạn mình vậy!
Thanh Tâm