Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh vào năm 1991, Thạc sĩ-Bác sĩ Lê Huy Thạch tình nguyện về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Thời gian đầu tái lập tỉnh, điều kiện công tác vô cùng khó khăn, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hết sức thiếu thốn, nhưng anh luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh chia sẻ: Với nhiệt huyết tuổi trẻ, niềm vui của tôi lúc đó và ngay cả bây giờ chính là sự bận rộn, tất bật với công việc, thời gian nghiên cứu tài liệu để trau dồi chuyên môn và cả những chuyến đi tình nguyện khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo, đồng hành cùng các gia đình khó khăn, các em nhỏ không đủ điều kiện học tập... Năm 2000, anh được cử đi học cao học tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian học tập, anh đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Đặc điểm bệnh Takayashu ở trẻ em”. Bệnh Takayashu là bệnh lý viêm động mạch mãn tính, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Trẻ em mắc bệnh này nếu được phát hiện sớm có thể điều trị, khắc phục phần nào hậu quả nhưng phải đòi hỏi quá trình điều trị nội và ngoài khoa lâu dài. Nếu muộn nguy cơ tử vong rất cao. Sau 2 năm nghiên cứu, kết quả cho thấy ở Việt Nam, trẻ mắc bệnh thường ở độ tuổi 3-15 tuổi và nữ nhiều hơn nam, trên cơ sở đó đưa ra phương pháp chẩn đoán, điều trị, hỗ trợ thích hợp. Anh là người đầu tiên trong nước nghiên cứu về bệnh lý này và đến nay đề tài vẫn được áp dụng điều trị chứng bệnh Takayashu trên toàn quốc. Với công trình nghiên cứu đó, năm 2004, anh được Hội đồng Khoa học-Hội Tim mạch học quốc gia trao giải thưởng “Nhà nghiên cứu trẻ”.
Thầy thuốc Ưu tú Lê Huy Thạch.
Hoàn thành khóa học thạc sĩ, anh trở về đơn vị công tác và được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Phó Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, kiêm Phó Bí Thư Chi bộ IV, gồm các khoa: Hồi sức tích cực-chống độc, Khoa Nhi, Khoa Nhiễm. Sau đó, anh tiếp tục được bổ nhiệm lên Trưởng khoa, Bí Thư Chi bộ IV. Qua quá trình phấn đấu, cống hiến hết mình, tháng 2-2013, anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc bệnh viện, Phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện.
Phát huy tinh thần nêu gương của người lãnh đạo, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, dù ở vị trí nào, anh đều làm tròn trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong công tác chuyên môn, anh được giao quản lý khối cấp cứu hệ nội khoa. Công việc hết sức bận rộn, vất vả vì mỗi ngày, lượng bệnh nhân cấp cứu lĩnh vực nội khoa khá đông, phần lớn bệnh đã chuyển biến xấu, nhất là đối với những ca cấp cứu nguy kịch do ngộ độc, đột quỵ… đòi hỏi phải xử lý nhanh, không được phép sai sót mới bảo đảm mạng sống cho người bệnh, nên anh thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, áp lực. Dẫu vất vả, nhưng anh chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi, luôn thể hiện sự tỉnh táo, năng động, cùng với anh chị em trong khoa giám sát, quản lý chặt chẽ từng ca bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Trong giao tiếp với người bệnh, anh luôn nhẹ nhàng, niềm nở, ân cần, tạo niềm tin, quý mến từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, anh còn thường xuyên tham gia các đoàn công tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới; tham gia tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn hồi sức cấp cứu, chạy thận bệnh suy thận cấp, chăm sóc bệnh nhân hôn mê, chăm sóc theo dõi bệnh hậu phẫu chấn thương sọ não, điều dưỡng… cho cán bộ y tế tại bệnh viện; tổ chức, quản lý giảng dạy cho sinh viên thực tập trong và ngoài tỉnh tại bệnh viện... Đặc biệt, anh còn là người đam mê nghiên cứu khoa học. Hơn 26 năm công tác, anh đã thực hiện 19 đề tài nghiên cứu khoa học, hầu hết được ứng dụng vào thực tiễn và báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học trong nước. Đơn cử như đề tài “Yếu tố tiên lượng nhiễm trùng huyết sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận năm 2007–2008”, với đề tài này, anh được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2008. Gần đây nhất là các đề tài “Khảo sát trực khuẩn Gram âm sinh men Beta-Lactamase phổ rộng phân lập tại Bệnh viện Ninh Thuận”, “Khảo sát tình trạng giảm số lượng tiểu cầu giả trên máy đếm tự động bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận năm 2016”… Hiện nay, đang thực hiện đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện và các yếu tố nguy cơ liên quan tại Bệnh viện Ninh Thuận năm 2016-2017”. Kết quả các đề tài là cơ sở giúp bệnh viện hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chất lượng điều trị trong lĩnh vực nội khoa. Chuyên môn, tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm, trách nhiệm với công việc, anh còn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật của bệnh viện.
Bên cạnh đó, anh còn có nhiều đóng góp xây dựng các phong trào đoàn thể vững mạnh, nhất là công tác tập hợp và phát triển thanh niên, thầy thuốc trẻ với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, bổ ích vì sức khỏe cộng đồng. Trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, anh luôn giản dị, hòa đồng, thân thiện, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công tác, xây dựng mối đoàn kết nội bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng ngày một trong sạch, vững mạnh.
Khi được hỏi về “bí quyết” thành công của mình, anh cho biết: Theo tôi, muốn trở thành một người thầy thuốc tốt, nhất thiết phải biết “làm hết những gì mình có thể cho người bệnh, còn sức còn làm việc”, bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Tôi tự nhủ bản thân luôn phải thực hiện tốt lời Bác Hồ đã dạy “Lương y phải như từ mẫu”, cần cù, chịu khó, cầu thị, không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn, học tập trau dồi nghiệp vụ, tay nghề, nhất là biết ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa khọc để nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị hiệu quả trong tình hình bệnh tật diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu phát triển của bệnh viện đang phấn đấu trở thành Bệnh viện hạng I vào năm 2020.
Với sự nỗ lực, cống hiến của mình, nhiều năm qua, Thạc sĩ-Bác sĩ Lê Huy Thạch được UBND tỉnh, Sở Y tế… biểu dương, khen thưởng. Vinh dự hơn cả, vừa qua, anh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú.
Uyên Thu