Theo đó, các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu, thời hạn vay vốn 16 năm với lãi suất hết sức ưu đãi. Đối với tỉnh ta, Nghị định nói trên như một làn gió mới “chắp cánh” cho giấc mơ làm ăn lớn của không ít ngư hộ, hay nói khác hơn là đã thổi bùng lên khát vọng vươn khơi, bám biển bằng những con tàu to về “quy mô”, đủ lớn về công suất để đương đầu với sóng to gió lớn trùng khơi, đồng thời vững vàng để góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh đang thi công các con tàu “67”.
Ảnh: Mai Dũng
Hiện thực là đây...
Anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản-người luôn gắn bó, chia sẻ buồn vui với ngư dân từ “khâu” đầu lập dự án đến “khâu” cuối là hạ thủy con tàu, phấn khởi cho chúng tôi biết: Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã có 40 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán trên 390 tỷ đồng. Đến nay, đã có 13 tàu cá hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó: 1 tàu vỏ sắt, 4 tàu vỏ composite và 8 tàu vỏ gỗ. Bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá của tỉnh, đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Thuận có những tàu cá được đóng bằng thép, composite, với chiều dài thiết kế trên 20 m, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 700 CV, với các trang thiết bị khai thác hiện đại. Đồng thời, chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển tàu cá có công suất lớn, khai thác nguồn lợi trên các vùng biển xa. Anh Đặng Văn Tín cho biết thêm: Trước khi có Nghị định 67, toàn tỉnh chỉ có trên dưới 106 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, trong đó chỉ có 1 tàu công suất hơn 700 CV, đến nay, đã có 136 tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, trong số này có 8 tàu công suất trên 700 CV, đặc biệt có tàu cá công suất gần 1.000 CV. Điều cũng đáng nói là một số ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ (pha xúc, lưới mùng...) sang các nghề hoạt động trên các vùng biển xa như câu khơi, rê cước... Hầu hết các tàu đóng mới đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội là minh chứng cho việc đầu tư đúng hướng của ngư dân.
Đạt được những kết quả nổi trội nêu trên, đầu tiên cần đề cập đó là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan. Nhờ đó, phần lớn những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đã được tháo gỡ kịp thời, công tác phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách theo Nghị định được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng. Mặt khác, có thể nói chính sách đã nêu đáp ứng được mong muốn của nhiều ngư hộ với khát vọng vươn khơi nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho ngư dân thúc đẩy đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản.
Những tâm đắc của các “ông chủ lớn”!
Có thể nói Nghị định 67 của Chính phủ đã thỏa mãn được khát vọng của ngư dân như đã nêu trên, đáng nói nhất là niềm tin vào chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định bằng chính bao điều tâm đắc của ngư hộ. Ông Nguyễn Văn Mười (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), chủ tàu khai thác Hải Dương, vỏ composite, hành nghề lưới vây đã không giấu được vẻ tự hào là một trong những người tiên phong vay vốn đầu tư để biến ước mơ thành hiện thực: Tàu “67” của tôi có công suất 829 CV chứa được hơn 100 tấn hải sản, dài 24 m, rộng 6,5 m, cao 3,5 m; được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại như máy dò quét, máy dò đứng, máy định vị tầm xa, tầm ngư, hải đồ, ngư lưới cụ... với tổng chi phí đầu tư gần 12 tỷ đồng và được hạ thủy vào tháng 3-2016. Từ khi có con tàu “67”, tôi cảm thấy rất tự tin mỗi lần ra khơi đánh bắt. Đối với tôi, Nghị định 67 ra đời không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, mà đó còn là động lực rất lớn để giúp ngư dân chúng tôi mạnh dạn vươn khơi xa, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu vỏ gỗ, công suất 600 CV của bà Vương Thị Thúy Vân chuẩn bị hạ thủy. Ảnh: Mai Dũng
Ông Võ Ngọc Minh (khu phố 9, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) làm chủ con tàu dịch vụ hậu cần có công suất lên đến 940 CV, vỏ gỗ bọc composite mang tên Rạng Đông chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn được vay theo Nghị định 67 mà tôi mới mạnh dạn đóng chiếc tàu này. Tàu của tôi chủ yếu cung cấp nhiên liệu, vật dụng và các thứ cần thiết cho tàu đánh bắt xa bờ rồi thu mua hải sản vận chuyển vào bờ, mỗi chuyến đi khoảng 4-5 ngày. Sau mỗi chuyến biển, trừ chi phí và trả lương cho người lao động, bình quân cũng còn “dư” trên dưới năm, bảy chục triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn là Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 6 tàu, 6 thành viên tham gia, bao gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần. Đa số tàu trong tổ đều được đóng mới theo Nghị định 67, các tàu đều được trang bị thiết bị hiện đại, công suất lớn; hơn nữa thời gian qua được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nhiên liệu, trang thiết bị hàng hải nên không chỉ có tôi mà các thành viên trong tổ đều rất phấn khởi và luôn sẵn sàng vươn khơi khai thác hải sản trên các ngư trường xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Ông Trần Công Thắng (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu vỏ gỗ bọc composite, hành nghề lưới rê đã tâm sự rất thật với chúng tôi rằng, gia đình ông đã mơ ước có được con tàu công suất lớn từ lâu nhưng không đủ “sở hụi” để làm. Khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, ông mạnh dạn đăng ký hồ sơ đóng thêm tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Hiện nay, gia đình ông có 3 chiếc tàu, trong đó có một chiếc tàu vỏ gỗ bọc composite được đóng mới theo Nghị định 67 có công suất 829 CV và đã hạ thủy vào tháng 8-2016, 2 chiếc còn lại có công suất 460 CV và 330 CV. Sau khi tàu “67” hạ thủy, ông đã đưa vào hoạt động, mỗi chuyến đi khoảng 20 ngày. Có chuyến thu được trên 840 triệu đồng. Ông so sánh: Những con tàu trước kia của tôi công suất nhỏ nên hiệu quả mang lại không bằng tàu “67”, mỗi chuyến chỉ đi được 10 ngày là phải vào bờ và thu nhập chỉ được trên dưới 100 triệu đồng/chuyến. Thời gian sắp tới, mong các cơ quan chức năng cho tôi được vay vốn đóng thêm một con tàu “67” nữa, vừa có thể phát triển thêm kinh tế gia đình, vừa góp phần phát triển ngành Thủy sản tỉnh nhà.
Mới đây, chứng kiến lễ hạ thủy con tàu “67” vỏ gỗ mang số hiệu NT-91242 TS, công suất 600 CV, hành nghề câu và mành chụp của bà Vương Thị Thúy Vân (thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, Thuận Nam)-đây cũng là con tàu “67” đầu tiên của huyện Thuận Nam hạ thủy. Bà Vân đã rất xúc động nói: Gia đình tôi làm nghề câu đã hơn 20 năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc khai thác ít hiệu quả do tàu công suất nhỏ, không ra khơi xa được. Được biết, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới và cải hoán tàu thuyền công suất lớn theo Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký đóng mới và chuyển đổi ngành nghề tham gia đánh bắt xa bờ. Tôi mong bà con ngư dân trong toàn tỉnh có điều kiện đăng ký đóng mới, cải hoán tàu của mình để ngày càng có nhiều tàu “67” cùng nhau đoàn kết, bám biển khai thác, góp phần giữ gìn, bảo vệ biển, đảo quê hương.
Còn rất nhiều những điều tâm đắc của các “ông chủ lớn” quyết chí làm ăn lớn ở trùng khơi với thu nhập được tính bằng con số nhiều trăm triệu đồng mỗi chuyến biển thay vì con số nhỏ lẻ nếu chỉ quẩn quanh vùng biển hẹp nội tỉnh!. Và như cùng “tâm đắc” với ngư dân, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ tập trung giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao nhất những khó khăn, vướng mắc cho những tàu “67” đã đóng mới và đang sắp đóng mới. Đồng chí khẳng định tỉnh quyết tâm cùng với hệ thống chính trị, cũng như các sở, ngành, các Ngân hàng thương mại sẽ tập trung làm tốt trách nhiệm của mình để bà con ngư dân đóng mới nhiều hơn nữa những con tàu theo Chương trình Nghị định 67 của Chính phủ để vươn khơi, phát triển kinh tế gia đình cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mai Dũng