Nơi chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp

(NTO) Khi những bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng đáng quan tâm, thì những ý tưởng khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… trở nên ngày một thiết thực.

 Song làm nông nghiệp thế nào để đạt hiệu quả kinh tế cao, có sự khác biệt cũng như tìm thấy sự thành công cho mình là điều nhiều bạn trẻ trăn trở trên con đường khởi nghiệp. Ra đời từ thực tế đó, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp Ninh Thuận (CLB) là một không gian mở cho tất cả những ai quan tâm tới lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đang tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp hay.

Anh Hoàng Quý Dương (xã Xuân Hải , Ninh Hải) chăm sóc vườn nho. Ảnh: T.L

Môi trường kết nối

Theo anh Nguyễn Ngọc Hân, Chủ nhiệm CLB, mục tiêu chính của CLB là chia sẻ, hỗ trợ về ý tưởng, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, tiếp cận vốn vay, xây dựng thương hiệu cho người mới khởi nghiệp; phân tích thị trường đầu ra, tạo mối dây liên kết và mở rộng mạng lưới để các thanh niên khắp mọi miền giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thực tế… Hiện tại, CLB có 8 thành viên chính, ngoài ra số lượng cộng tác viên tìm đến CLB là không giới hạn. Sau hai năm đi vào hoạt động, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Tổ chức tham quan, học tập các mô hình hay, cách làm mới tại nhiều tỉnh bạn; tham gia các buổi tập huấn, huấn luyện cho người bán lẻ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về trưng bày hàng hóa, tài liệu thông tin quảng cáo hàng hóa, kinh nghiệm giao tiếp khách hàng, bán hàng; cập nhật kiến thức về khởi sự kinh doanh, mở rộng kênh phân phối. Đặc biệt, định kỳ hàng tháng tổ chức hoạt động giao lưu với các diễn giả, doanh nhân thành đạt dưới hình thức talk show-thanh niên và doanh nghiệp gặp gỡ, tương tác, trao đổi những điều bản thân đang tìm kiếm. Tại các buổi giao lưu, thanh niên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện kỹ năng, còn doanh nghiệp chia sẻ với thanh niên những điều mình đã trải qua, đã học được trên con đường lập nghiệp… Đây được xem là cầu nối quan trọng tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng gặp gỡ những ứng cử viên tiềm năng của mình trong tương lai.

Tiếp nối các hoạt động lý thuyết, chuỗi hoạt động thực tiễn tại các Hội chợ như Phiên chợ xanh tử tế, Hội chợ Công nghệ và thiết bị-Teachmart… thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Tham gia trên 10 Phiên chợ Xanh tử tế với sản phẩm đặc thù của tỉnh nhà là nho và táo. Chị Ngô Lê Nữ Ái, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: Sau mỗi phiên chợ, điều chúng tôi gặt hái được không chỉ là doanh số bán hàng, mà còn là những ý kiến đóng góp quý giá của người tiêu dùng, từ đó chúng tôi sẽ đổi mới hơn trong việc phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng.

Những “trái ngọt” đầu mùa

Ở tuổi 21, để khẳng định bản thân, thành viên 9X của CLB, Nguyễn Trương Anh Tiến (xã Xuân Hải, Ninh Hải) quyết định tập tành kinh doanh. Thay vì khởi nghiệp trong lĩnh vực ăn uống như truyền thống của gia đình, Tiến lại đầu tư vào cây măng tây xanh, một loại rau được xem là “vua” của các loài rau. Đầu năm 2012, Tiến một mình khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu thị trường, cây giống và các kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, chế biến măng tây. Từ 200 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ của gia đình, Tiến tự làm tất các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm nơi tiêu thụ. Sau 3 năm phát triển với không ít thất bại, với 3.000 m2 đất thuê ban đầu, hiện mỗi ngày anh thu được trên dưới 200 kg măng tươi, với lợi nhuận từ 1,3-1,5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Trương Anh Tiến (xã Xuân Hải, Ninh Hải) đầu tư kinh doanh cây măng tây xanh. Ảnh: V.M

Nhận thấy măng tây có giá trị cao, nhưng giá cả và sản lượng tiêu thụ luôn phụ thuộc vào thương lái, bên cạnh lập cơ sở thu mua măng tây, Nguyễn Trương Anh Tiến còn tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách chế biến các loại trà từ măng tây. Anh Tiến chia sẻ: “Măng tây Ninh Thuận luôn được thị trường đánh giá cao, lại có giá trị về sức khỏe, tuy nhiên vẫn còn ít có người biết đến. Nếu xây dựng thành công thương hiệu trà măng tây, không chỉ cá nhân có thêm đầu ra cho sản phẩm, mà còn góp phần đưa thương hiệu măng tây Ninh Thuận vươn xa”. Vay mượn thêm người thân và ngân hàng để thuê đất trồng măng, hiện 17.000 m2 diện tích măng tây trồng mới đã cho thu hoạch ổn định. Ngoài ra, để có đủ sản lượng cung cấp cho khách hàng và chủ động vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất trà, Tiến còn đầu tư giống cho hơn 20.000 m2 đất của nông dân trong vùng. Theo đó, bên cạnh cung cấp giống, nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt theo tiêu chuẩn rau an toàn.

Giống như Nguyễn Trương Anh Tiến, thành viên Hoàng Quý Dương (SN 1982, xã Xuân Hải) cũng đã chọn cách khởi nghiệp từ một trong những đặc sản của Ninh Thuận. Nhìn thấy cảnh gia đình và người dân địa phương bao năm vất vả nhưng không thể thoát nghèo từ chính cây nho, Hoàng Quý Dương quyết tâm phải làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống. Trở về từ Angola theo diện xuất khẩu lao động, anh không ngừng học hỏi kỹ thuật và phương pháp trồng nho sao cho năng suất, chất lượng cao hơn. Với khát vọng và sự chăm chỉ, Dương đã ra sức đem kiến thức học được để cải tạo đất và trồng nho trên những mảnh đất vốn bị nhiễm phèn và hoang hóa trước đây. Đất không phụ người, sau hai năm, hiện anh đang sở hữu vườn nho 2.000 m­2 với năng suất và chất lượng cao gần gấp đôi so với các vườn nho của nông dân trong vùng. Sản phẩm nho làm ra có năng suất, chất lượng, giá thành cao hơn so với thị trường cũng là lúc Hoàng Quý Dương nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu nho của mình. Để chủ động về sản lượng, Hoàng Quý Dương hiện đã và đang liên kết với các chủ vườn nho khác để cùng sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thu mua và tiêu thụ, tất cả các chủ vườn phải tuân thủ các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu chất lượng của một trong các bên không đạt sẽ không được sử dụng thương hiệu hoặc loại ra khỏi nhóm liên kết.

Ước mơ nhiều triển vọng

Tính đến nay, CLB đã biến rất nhiều ý tưởng thành hiện thực. Một trong số đó phải kể đến Dự án “Cung cấp nho an toàn và các dịch vụ đi kèm tại vùng đất nhiễm phèn” của ba bạn trẻ Hoàng Quý Dương, Nguyễn Thị Tường Vi, Nguyễn Văn Quy. Dự án này đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp năm 2015” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Mạng lưới Sáng tạo Khởi nghiệp phối hợp tổ chức.

Không chỉ chắp cánh cho nhiều ý tưởng thành sự thật, CLB còn đang ấp ủ rất nhiều dự định. Anh Nguyễn Ngọc Hân cho biết: Hiện CLB đang triển khai thực hiện Dự án “Sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm chuỗi hạt cây rừng của đồng bào Raglai sống ven Vườn Quốc gia Núi Chúa”. Từ các loại hạt như hạt bồ đề, hạt dẹp, hạt cam thảo, hạt mắc mèo…, các thành viên CLB hướng dẫn bà con Raglai với đôi bàn tay khéo léo kết tạo thành những chiếc vòng tay, xâu chuỗi hạt xinh xắn. Với dự án này, CLB hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm được giới thiệu đến nhiều khách hàng, qua đó giúp đồng bào Raglai có kế sinh nhai ổn định cuộc sống…

Còn rất nhiều ý tưởng khác như: Chăn nuôi bò lai sinh sản phát triển kinh tế gia đình; ý tưởng tìm ra các sản phẩm mới chế biến từ nho hay việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật, tạo nhiều giống nho mới thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân… vẫn đang được các bạn trẻ ở CLB ấp ủ, nuôi hy vọng từng ngày. Mặc dù các dự án này có thể khả thi, thành công hoặc chưa thành công, nhưng trên hết, các bạn trẻ đã có ước mơ khởi nghiệp, không chỉ khẳng định bản thân mình, mà còn nuôi hoài bão về một nền nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, những mối đầu tư sinh lợi có ích cho cộng đồng, xã hội.