Thực tế cho thấy, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích các cây trồng đặc sản nói trên đạt rất cao. Chỉ tính riêng cây nho, táo bình quân không dưới nửa tỷ đồng/ha. Cá biệt có hộ trồng táo kết hợp nuôi dê, cừu có doanh thu hằng năm đạt trên 700 triệu đồng. Dê, cừu cũng là đặc sản ở vùng khô hạn nổi tiếng trong cả nước với số lượng nuôi hàng trăm ngàn con... Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh trong nông nghiệp của tỉnh.
Nhân viên Agribank Chi nhánh Ninh Thuận hướng dẫn
hồ sơ, thủ tục vay vốn cho khách hàng.
Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Chi nhánh Ninh Thuận) luôn song hành và ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nói chung thông qua các chương trình, dự án, đồng thời đóng vai trò chủ lực giúp nông dân có nguồn vốn để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Có không ít nông hộ chúng tôi có dịp tiếp xúc đã nói vui rằng: - Đâu khó có... Agribank!. Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh Ninh Thuận, xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, trong năm 2016, Chi nhánh đã tập trung nguồn vốn vào lĩnh vực này. Nhất là từ khi thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng trưởng, đã tạo động lực cho nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn. Tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ toàn Chi nhánh đạt trên 4.351 tỷ đồng, tăng 793 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng 22,3%. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1.926 tỷ đồng, tăng 106 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 44,3%/tổng dư nợ; dư nợ trung hạn hơn 1.609 tỷ đồng, tăng 542,4 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 37%/tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74%/tổng dư nợ. Với tổng dư nợ như đã nêu trên, đơn vị “chọn” đối tượng để cấp tín dụng chủ yếu vẫn là hộ sản xuất và cá nhân với dư nợ cho vay trên 3.170 tỷ đồng, chiếm 72,8% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; kế đến là các doanh nghiệp với dư nợ cho vay trên 1.180 tỷ đồng, chiếm 27,17% trong tổng dư nợ.
Gia đình ông Võ Duy Anh (Khu phố 1, phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) mở rộng kinh doanh
nhờ nguồn vốn của Agribank.
Đặc biệt, để tạo những đột phá mới trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Chi nhánh đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng đối với các chương trình trọng điểm như: Cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đạt doanh số giải ngân trong năm 2016 là 1.970 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay lên 2.015 tỷ đồng/19.300 khách hàng. Cho vay ưu đãi lãi suất đối với huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN với dư nợ cho vay 55 tỷ đồng/612 khách hàng, tăng 22 tỷ đồng so với năm 2015. Cho vay xây dựng nông thôn mới đối với 47 xã, với doanh số giải ngân trên 1.204 tỷ đồng, nâng tổng mức dư nợ cho vay lên 1.580 tỷ đồng/23.162 khách hàng. Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, dự tính đến 31-12-2016, Chi nhánh ký kết hợp đồng cho vay 24 khách hàng (24 tàu) và thực hiện giải ngân với số tiền là 115 tỷ đồng, trong đó hạ thủy 13 tàu. Điều rất đáng ghi nhận là để giúp ngư dân thuận lợi trong vay vốn và bảo toàn nguồn vốn, Chi nhánh đã thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Nghị định 67. Qua đó, thống nhất phương pháp làm việc từ khâu thẩm định, tái thẩm định dự án vay vốn, tài sản thế chấp; hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ pháp lý, kinh tế, lập hồ sơ vay vốn, bảo đảm tiền vay, các giấy tờ liên quan đến việc giải ngân. Phối hợp với Chi cục Thủy sản họp mời toàn bộ ngư dân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để giải đáp các thắc mắc và các nội dung chưa rõ của ngư dân. Mặt khác, tổ chức cho khách hàng được phê duyệt vay vốn tham quan các cơ sở đóng tàu tại tỉnh Khánh Hòa, mục đích tiết kiệm chi phí cho từng khách hàng tự khảo sát, học tập kinh nghiệm với mục tiêu tiết kiệm chi phí đóng tàu... Nhờ đó, đến nay, các chủ tàu đóng mới đều phát huy tốt vốn vay bằng chính hiệu quả của từng chuyến biển mang lại. Minh chứng rõ nhất từ một số ngư dân đã hạ thủy tàu và có hiệu quả cao trong hoạt động khai thác và hậu cần nghề cá, đó là các chủ tàu: Võ Ngọc Minh (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, làm dịch vụ hậu cần nghề cá), Trần Công Thắng (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, làm nghề lưới rê), Trần Công Bình (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, làm nghề lưới rê), Lê Minh Trí (xã Thanh Hải, Ninh Hải, làm nghề lưới vây)...
Từ nguồn vốn vay của Agribank - Chi nhánh Ninh Sơn, ông Phạm Hùng (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn)
đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, mang lại thu nhập cao.
Thêm một lần khẳng định, chính nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các khu vực nông thôn. Hàng nghìn khách hàng giải quyết được khó khăn về nguồn vốn đầu tư trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế biển... đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho hàng nghìn lao động nông thôn. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Chi nhánh luôn chú trọng công tác tuyên truyền về chính sách vốn, tập trung nâng cao chất lượng nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong thực hiện, Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là Hội Nông dân để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn sử dụng vốn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho vay, đồng thời xem xét thời hạn trả nợ cho các khách hàng khi họ gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh và cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục phát huy vai trò “bà đỡ” để phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2017, Chi nhánh xác định chỉ tiêu kế hoạch đạt tổng dư nợ trên 4.780 tỷ đồng. Theo đó, chủ động đầu tư tăng trưởng tín dụng theo định hướng phát triển kinh tế địa phương. Tiếp tục thu thập thông tin, tiếp thị và có chính sách dài hạn để tiếp cận các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực tài chính để phát triển tín dụng an toàn và hiệu quả. Ưu tiên vốn cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ; tiếp tục khảo sát tình hình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh để có cơ sở cấp tín dụng trong năm 2017... Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững, giúp các địa phương tiến gần đến đích các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một mùa xuân mới lại về và những gì Agribank Chi nhánh Ninh Thuận đã làm sẽ thực sự mang đến niềm vui mới cho nông dân.
Mai Dũng